Theo TP. Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020, thu hút FDI của Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó: Năm 2018 và 2019 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD. Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu hút FDI vào thành phố có sự giảm sút. Bước sang năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả trong 4 tháng đầu năm 2023, đứng đầu toàn quốc với 1,82 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu hút FDI vào Hà Nội thông qua các hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu đang trở thành xu hướng phổ biến. Nhiều dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện năng, chế biến, chế tạo đã được cấp mới hoặc tăng vốn với số vốn góp từ trên 1 triệu USD trở lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi của kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này vẫn còn tồn tại một số bất cập dẫn đến kết quả thu hút FDI trong 2 năm gần đây giảm so với giai đoạn 2018 - 2020.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, cơ quan chức năng sẵn sàng quan tâm, tập trung hợp tác để trao đổi thông tin, nắm bắt thực tế và tìm cách giải quyết các vấn đề nảy sinh, hỗ trợ Thủ đô phát huy tiềm năng, cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú, cho biết trong quá trình thu hút vốn FDI, thành phố đang gặp phải nhiều bất cập như thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế và giá thuê đất cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với các địa phương lân cận. Ngoài ra, một số quy định vẫn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và luật chuyên ngành.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, cho biết mặc dù các sở, ngành đã nỗ lực trong hoạt động xúc tiến đầu tư, nhưng hiện tại chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin cơ bản về dự án để kêu gọi đầu tư, chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến chưa được tận dụng hiệu quả, do đó các hoạt động xúc tiến trực tuyến vẫn chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về việc nhận biết hành vi đầu tư "chui" và đầu tư "núp bóng", đồng thời hướng dẫn đối với danh mục ngành nghề và mục tiêu đầu tư nhạy cảm.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút FDI. Đồng thời, sẽ rà soát và thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Hà Nội cũng đang chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận và quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, bao gồm tuyến đường vành đai 4, hạ tầng điện lực, viễn thông, và thông tin, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển đô thị, sản xuất, khoa học và công nghệ.
Thành phố Hà Nội cũng cam kết tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp với việc tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đồng thời, sẽ rà soát các dự án nhằm thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết đã được quy định trong giấy phép đầu tư, đồng thời nhận diện và giải quyết các vướng mắc và khó khăn nhằm tháo gỡ trở ngại cho các nhà đầu tư, với tinh thần đồng hành và chia sẻ.
Bình Châu