Thông qua dự thảo Nghị quyết để đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP

16:15 24/11/2021

Ngày 23/11, trong phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 12/11/2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện có liên quan. 

  Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.

Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Theo cam kết, một số quy định của Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (ngày 14/1/2022), trong đó có nội dung liên quan đến yêu cầu xử lý hình sự hành vi “vi phạm bí mật kinh doanh” quy định tại Điều 18.78 của Hiệp định.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự như sau:

“Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả đọc, nghe, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh”.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/1/2022; được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

Theo các ý kiến tại phiên thảo luận, việc trình dự thảo Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là cần thiết và đúng thẩm quyền nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP.

Do đã có sự rà soát và thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên dự thảo Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình năm 2015 được 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

PV