![]() |
Thị trường nhóm nông sản 15/4: Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt giảm |
Giá lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giảm trong phiên đầu tuần, khi dự báo thời tiết thuận lợi hơn tại khu vực Đồng bằng nước Mỹ - nơi trồng lúa mì chủ lực đã xoa dịu những lo ngại về sản lượng. Đồng thời, đà lao dốc của lúa mì châu Âu cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường toàn cầu.
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 5 (mã WK25) giảm 8,25 cent, xuống mức 5,4705 USD/giạ. Lúa mì cứng đỏ đông Kansas giao tháng 5 (KWK25) hạ 12,75 cent còn 5,5525 USD/giạ. Trong khi đó, hợp đồng lúa mì xuân Minneapolis (MWEK25) giảm 10,25 cent, xuống 6,0475 USD/giạ.
Tại châu Âu, giá lúa mì tương lai tại Paris lao dốc do đồng euro mạnh lên làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy thanh tra xuất khẩu lúa mì đạt 604.461 tấn, vượt xa dự báo của giới phân tích (200.000 - 525.000 tấn). Tuy nhiên, chỉ 47% diện tích lúa mì mùa đông được đánh giá ở tình trạng tốt đến xuất sắc, giảm nhẹ so với tuần trước.
Giá ngô kỳ hạn tại CBOT giảm trở lại sau bảy phiên tăng liên tiếp, chủ yếu do lực chốt lời và hoạt động bán kỹ thuật khi hợp đồng giao tháng 5 (CK25) không vượt được đỉnh thiết lập cuối tuần trước. Cụ thể, hợp đồng giao tháng 5 (CK25) giảm 5,25 cent xuống còn 4,85 USD/giạ; hợp đồng tháng 7 (CN25) mất 4,25 cent còn 4,9275 USD/giạ. Hợp đồng vụ mới tháng 12 (CZ25) chỉ nhích nhẹ, giảm 1,5 cent, đóng cửa ở mức 4,62 USD/giạ.
USDA xác nhận một hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn ngô cho Nhật Bản trong niên vụ 2024/25 và ghi nhận tổng thanh tra xuất khẩu đạt 1,829 triệu tấn, vượt xa kỳ vọng thị trường. Trước báo cáo tiến độ trồng trọt, các chuyên gia dự đoán khoảng 6% diện tích ngô đã được gieo, tăng so với 2% tuần trước.
Giá đậu tương trên sàn CBOT đóng cửa trái chiều trong phiên đầu tuần. Hợp đồng tháng 5 (SK25) giảm 1 cent còn 10,4175 USD/giạ, sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Trong khi đó, hợp đồng tháng 11 (SX25), đại diện cho vụ mùa 2025 tăng 3 cent, lên 10,2805 USD/giạ.
Giá bột đậu tương giao tháng 5 (SMK25) giảm 2,5 USD còn 297,10 USD/tấn ngắn, trong khi giá dầu đậu nành (BOK25) mất 1,03 cent, xuống còn 46,32 cent/pound. Theo phân tích, biến động này một phần đến từ hoạt động “khoá biên độ nghiền” khi nhà đầu tư mua hợp đồng đậu nành và bán hợp đồng phụ phẩm.
USDA báo cáo thanh tra xuất khẩu đậu nành đạt 546.348 tấn – nằm trong biên độ kỳ vọng (375.000–750.000 tấn). Trung Quốc, khách hàng lớn nhất đã nhập khẩu lượng đậu nành thấp nhất trong tháng 3 kể từ năm 2008 do lo ngại về thuế quan và chậm tiến độ thu hoạch tại Brazil. Trước báo cáo từ Hiệp hội chế biến hạt có dầu quốc gia, giới phân tích dự kiến sản lượng nghiền trong tháng 3 đạt 197,602 triệu giạ tăng 11,1% so với tháng 2.