![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 24/7: Đường giảm nhẹ, ca cao tiếp tục tăng mạnh, cà phê ổn định |
Giá cà phê Arabica hợp đồng (KC2!) tiếp tục dao động quanh mức 3.000 USD/tấn, phản ánh tình hình thời tiết thuận lợi tại các quốc gia sản xuất lớn như Brazil và Indonesia, nơi vụ thu hoạch đang diễn ra suôn sẻ.
Tuy vậy, thị trường vẫn dõi theo khả năng Hoa Kỳ có thực hiện mức thuế 50% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Brazil từ ngày 1/8 tới. Dù phía Brazil thừa nhận một thỏa thuận thương mại khó đạt được trước thời hạn, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ ưu tiên chất lượng của thỏa thuận hơn là tiến độ.
Các nhà giao dịch đánh giá mức thuế cao ban đầu có thể kích thích tiêu thụ từ nguồn dự trữ được chứng nhận, nhưng về dài hạn, giá cà phê có nguy cơ suy giảm nếu nhu cầu từ thị trường Mỹ bị ảnh hưởng bởi giá bán lẻ tăng.
Giá ca cao hợp đồng (CC2!) tăng lên mức 8.450 USD/tấn, phản ánh những lo ngại kéo dài về thiếu hụt nguồn cung bất chấp sản lượng có dấu hiệu cải thiện.
Trong hai năm qua, giá ca cao đã tăng hơn gấp đôi do thời tiết bất lợi và dịch bệnh cây trồng tại Bờ Biển Ngà và Ghana – hai quốc gia chiếm hơn 60% sản lượng toàn cầu. Dù sản lượng tại Bờ Biển Ngà đến ngày 30/6 đạt 1,508 triệu tấn (tăng 1,3% so với mùa trước), nhưng xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 6 vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí nguyên liệu cao khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Hershey đã phải tăng giá bán sản phẩm lên hai chữ số, trong khi Lindt báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm thấp hơn dự báo do doanh số sụt giảm sau đợt tăng giá mạnh 15,8%.
Giá đường kỳ hạn (SB2!) lùi về ngưỡng 16,1 cent/pound, tiến gần mức đáy trong 4 năm là 15,5 cent từng ghi nhận đầu tháng 7. Nguyên nhân đến từ triển vọng nguồn cung dồi dào tại các nước sản xuất chủ chốt.
Tại Ấn Độ – quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới cho thấy, việc mùa gió mùa đến sớm đang hỗ trợ khả năng thu hoạch vượt kỳ vọng. Chính phủ nước này đang xem xét khả năng mở cửa lại hoạt động xuất khẩu đường vào năm 2025 sau nhiều tháng hạn chế.
Bên cạnh đó, Datagro cho biết các nhà máy tại Brazil đang ưu tiên ép mía để sản xuất đường thay vì ethanol, nhờ giá dầu thô giảm cùng triển vọng lợi nhuận từ nhiên liệu sinh học suy yếu. Điều này góp phần gia tăng lượng đường cung ứng ra thị trường toàn cầu.