![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 18/7: Giá ca cao và cà phê lao dốc, đường bật tăng |
Sau khi vọt lên mức cao nhất ba tuần trong phiên trước, giá cà phê quay đầu điều chỉnh vào thứ Năm.
Cà phê Arabica mã (KC2!) mất 1,25 cent (tương đương 0,4%) về còn 3,072 USD/pound. Cà phê Robusta giảm mạnh hơn, mất 3,4%, còn 3.312 USD/tấn.
Trước đó, thị trường đã phản ứng mạnh khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 50% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Brazil – nước xuất khẩu cà phê hàng đầu từ ngày 1/8. Tuy nhiên, thông tin từ hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil Cecafe phần nào làm dịu lo ngại. Cecafe cho biết đang có những cuộc trao đổi sâu về vấn đề thuế và không kỳ vọng nguồn cung sang Mỹ bị gián đoạn.
Bất chấp điều đó, Cecafe vẫn ghi nhận lượng cà phê xanh xuất khẩu trong tháng 6 từ Brazil đã giảm 31% so với cùng kỳ, và giảm 5,4% trong toàn bộ niên vụ 2024/25 (tính từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 6 năm nay).
Giá ca cao trên hai sàn lớn đồng loạt đi xuống mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chạm đáy nhiều tháng do dữ liệu tiêu thụ từ châu Âu và châu Á gây thất vọng.
Cụ thể, hợp đồng ca cao London mã (C1!) sụt 258 bảng, tương đương 5,1%, xuống còn 4.803 bảng/tấn, sau khi có lúc rơi về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10 là 4.698 bảng.
Tương tự, ca cao New York mã (CC1!) giảm 4,3%, xuống còn 7.309 USD/tấn, sau khi chạm đáy kể từ đầu tháng 11 là 6.700 USD.
Nguyên nhân chính đến từ báo cáo mới công bố cho thấy sản lượng ca cao xay xát – chỉ báo quan trọng về nhu cầu tiêu thụ – trong quý II tại châu Âu giảm 7,2%, xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch 2020. Tình hình tại châu Á còn u ám hơn, khi sản lượng xay xát lao dốc 16,3%, thấp nhất kể từ năm 2017.
Ngoài ra, tập đoàn sản xuất sô-cô-la lớn nhất thế giới Barry Callebaut cũng thông báo hạ mục tiêu sản lượng niên độ kết thúc ngày 31/8 xuống 7%, do giá nguyên liệu cao cùng những bất định về chính sách thuế của Mỹ khiến khách hàng dè dặt đặt hàng.
Trái ngược với xu hướng đi xuống của ca cao và cà phê, giá đường ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong phiên.
Đường thô mã (SB1!) nhích 0,18 cent, tương đương 1,1%, lên mức 16,74 cent/pound, trong khi đường trắng mã (SF1!) tăng tương ứng 1,1% lên 484,00 USD/tấn.
Thông tin tích cực đến từ việc Tổng thống Mỹ cho biết Coca-Cola đã đồng ý chuyển sang sử dụng đường mía trong các sản phẩm tại thị trường nội địa, thay vì dùng si-rô ngô như thường lệ. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tại Mỹ – quốc gia đứng đầu về tiêu dùng thực phẩm chế biến.