Bài liên quan |
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt giá kỷ lục |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã có bước tăng trưởng rõ nét trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu xuất phát từ các hợp đồng đã được ký kết từ đầu năm, trong bối cảnh nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh đặt hàng sớm để né nguy cơ tăng thuế từ ngày 1/8 tới.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 86 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đã đạt 911 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tại thị trường Mỹ, kim ngạch đạt 158 triệu USD, tăng 8% so với năm ngoái.
![]() |
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng tốc nhưng phía sau là nỗi lo thuế quan |
Phile cá tra vẫn là chủ lực, sản phẩm chế biến bứt phá
Phile cá tra đông lạnh tiếp tục là sản phẩm chủ lực, đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu phile cá tra của Việt Nam, đạt 131 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5, xuất khẩu phile cá tra đạt 38 triệu USD – mức cao nhất từ đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, nhóm sản phẩm cá tra chế biến mã HS16 ghi nhận mức tăng trưởng đột phá. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt hơn 8 triệu USD, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ và chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra chế biến. Dù quy mô còn khiêm tốn, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các tháng cho thấy tiềm năng lớn của phân khúc này trong thời gian tới.
Ngoài ra, các sản phẩm cá tra khô và đông lạnh khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực, đạt gần 3 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lo ngại về chính sách thuế và nguy cơ mất thị phần
Tuy nhiên, VASEP cảnh báo rằng các con số tăng trưởng hiện tại chưa phản ánh đúng thực trạng thị trường, bởi phần lớn đơn hàng đã được chốt từ trước theo điều kiện giao hàng FOB/CIF. Nguy cơ Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá lên tới 46% từ ngày 1/8/2025 đã khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế ký hợp đồng mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng theo các hợp đồng cũ.
Nếu mức thuế cao này được áp dụng, không chỉ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, tạo ra gánh nặng thuế chồng thuế, mà còn đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng cá tra vào Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất của ngành. Tác động tiêu cực có thể lan rộng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động tại các địa phương trọng điểm nuôi và chế biến thủy sản.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan hay các nhà xuất khẩu cá hồi Nam Mỹ – đặc biệt là Brazil và Chile – có thể sẽ tận dụng cơ hội để giành thị phần nếu Việt Nam bị suy giảm năng lực cạnh tranh do chính sách thuế.
Biến số thuế quan định hình bức tranh thủy sản 2025
VASEP cho rằng tương lai xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2025 phụ thuộc lớn vào kết quả chính sách thuế sau thời điểm 9/7. Nếu mức thuế giữ ở 10% hoặc được điều chỉnh theo hướng thuận lợi, ngành thủy sản có thể duy trì hoặc vượt mục tiêu 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực với thuế suất 46%, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể tụt xuống còn khoảng 9 tỷ USD, kéo theo nhiều rủi ro kéo dài.
"Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và linh hoạt trong bối cảnh nhiều bất định. Tuy nhiên, sự bền vững của tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách thương mại của Mỹ. Đây sẽ là biến số then chốt định hình bức tranh thủy sản Việt Nam trong năm 2025", VASEP nhấn mạnh.