Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm tại Đồng Nai

16:22 31/12/2021

Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo kết luận thanh tra (KLTT) số 2286/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất (SDĐ) đai và đầu tư xây dựng, công trình công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Loạt sai phạm trong quản lý sử dụng đất và triển khai dự án đầu tư

Thông báo kết luận thanh tra (KLTT) chỉ rõ, công tác quản lý SDĐ và đầu tư xây dựng cũng còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, với số tiền sai phạm đã xác định được là 335.204.038.153 đồng. Ngoài ra, nợ tiền SDĐ, tiền thuê đất đến 31/12/2018 cần được đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước là 153.965.000.000 đồng. Hạn chế, thiếu sót chủ yếu như sau:

Quy hoạch, kế hoạch SDĐ của tỉnh Đồng Nai và các đơn vị hành chính cấp huyện chậm được phê duyệt theo quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Đất đai 2003. Kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDĐ đạt thấp hoặc không đạt yêu cầu so với chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDĐ được duyệt; kết quả triển khai các công trình, dự án đạt tỷ lệ thấp, có công trình, dự án không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương phải loại bỏ, dừng đầu tư, phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chuyển tiếp sang kỳ quy hoạch tiếp theo; có 03 khu công nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng chưa được thành lập; một số dự án đầu tư chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, không triển khai đầu tư, triển khai đầu tư không đúng tiến độ; một số dự án chưa được chủ đầu tư thực hiện ký quỹ theo quy định. 

Ảnh minh họa
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đông Nai giám sát Khu xử lý chất thải xã Bàu Cạn năm 2019. (Ảnh Báo Đồng Nai).

UBND tỉnh giao đất với thời hạn sử dụng lâu dài tại một số dự án đầu tư không đúng quy định; quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất đã giao và cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ cho chủ đầu tư Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành không đúng quy định; giao đất công cộng có mục đích kinh doanh tại dự án Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ thị trấn Long Thành không đúng quy định.

UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, cho thuê đất trồng lúa để nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng trong quyết định không thể hiện cụ thể đất chuyên trồng lúa, dẫn đến gặp khó khăn trong việc xác định thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa theo quy định; một số dự án chưa xác định tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa. UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác để thực hiện 16 dự án đầu tư khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế, chưa nộp tiền trồng rừng thay thế; bên cạnh đó, Quỹ trồng rừng thay thế tỉnh Đồng Nai ( Sở NN&PTNT) thu tiền trồng rừng thay thế của 9 dự án theo đơn giá bình quân của rừng sản xuất là chưa đúng quy định.

UBND tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh áp dụng phương pháp xác định giá đất và phê duyệt đơn giá đất cụ thể đối với 07 dự án đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường chậm chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính đối với các hợp đồng thuê đất phải điều chỉnh giá thuê đất khi hết thời hạn ổn định 5 năm và Cục Thuế tỉnh Đồng Nai chậm điều chỉnh lại đơn giá thuê đất là chưa đúng quy định của pháp luật nêu tại khoản 1 Điều 14, khoản 1 và khoản 3 Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai chậm xác định tiền thuê đất đối với phần diện tích cho thuê của 1 dự án; chậm xác định và thông báo tiền phải nộp đối với các dự án được gia hạn thời gian SDĐ theo quy định nêu tại khoản 3, Điều 2 Thông tư số 333/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính; giảm tiền thuê đất đối với 03 dự án thuộc Khu Liên hợp công nông nghiệp Dofico không đúng quy định.

Theo TTCP, trách nhiệm đối với các hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực quản lý, SDĐ, đầu tư xây dựng; Giám đốc các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế và sai phạm

Theo kết luận Thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, đặc biệt khi Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành, công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã được tỉnh Đồng Nai quan tâm thực hiện cơ bản theo đúng quy định của pháp luật. Việc lập và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc phân bổ và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng, việc giải ngân và quyết toán vốn đầu tư các công trình, dự án hoàn thành được các cấp, ngành triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số hạn chế và sai phạm chủ yếu cần rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh:

Kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm giai đoạn 2013-2018 cấp tỉnh bình quân đạt 91,8%, cấp huyện đạt 88,4%; công tác phân bổ vốn đầu tư của nhiều dự án đầu tư quá thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán xây dựng của một số dự án đầu tư xây dựng chưa tốt, dẫn đến dự toán gói thầu xây lắp tăng so với quy định, cần thu hồi về ngân sách Nhà nước và giảm trừ khi quyết toán đối với các gói thầu có giá trị trúng thầu cao hơn dự toán sau khi xác định lại theo quy định là 2.133.918.629 đồng.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu lập dự án đầu tư Bệnh viện Đa khoa khu vực Xuân Lộc không đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu 2005; chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu với các gói thầu phần phát sinh thuộc dự án đầu tư Bệnh viện Đa khoa khu vực Xuân Lộc là không đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 100 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ; áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá hoặc đơn giá điều chỉnh đối với một số gói thầu xây lắp là không đúng quy định nêu tại Điều 49, Điều 50 Luật Đấu thầu 2005 và điểm c khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu 2013. 

Ảnh minh họa
 Bệnh viện Đa khoa khu vực Xuân Lộc (Ảnh internet).

Thực hiện lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn hoàn thành của nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm, vi phạm quy định tại Điều 19 Thông tư số 19/2011/TT-BTC và Điều 22 Thông tư số 09/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Công bố giá vật liệu xây dựng còn sơ sài, không đầy đủ (nhiều vật liệu không được công bố, không ghi cự ly vận chuyển...) thời gian công bố chậm, dẫn đến khó khăn trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án công trình xây dựng, vi phạm khoản 2, điều 17 Thông tư số 04/2010/TT-BXD và khoản 1, khoản 2 Điều 19 Thông tư số 06/2016/TT-BXD.

Trách nhiệm về sai phạm trên thuộc Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; Giám đốc các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Giao thông Vận tải, Giáo dục - Đào tạo; Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Buông lỏng quản lý đối với các hoạt động khai thác cát giai đoạn 2015-2018

Theo Thanh tra Chính phủ, sự phối hợp giữa các cấp, ngành và giữa các địa phương trong quản lý hoạt động khai thác cát nói chung, khai thác cát trái phép và hoạt động vận chuyển cát không rõ nguồn gốc nói riêng còn chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên, liên tục. Phối hợp giữa địa phương và các bộ, ngành Trung ương trong quản lý hoạt động nạo vét các tuyến vận tải, bến bãi đường thủy gắn với hoạt động tận thu khai thác cát chưa chặt chẽ, hiệu quả; nhiều dự án nạo vét, tận thu do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép và UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép đều phải tạm ngừng, chưa triển khai thực hiện được, về lâu dài ảnh hưởng nhất định đến hoạt động vận tải đường thủy.

Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra ở các khu vực tiếp giáp với hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh. Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, các hạn chế, thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại Đồng Nai thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai; Giám đốc các sở: Nội vụ, Xây dựng, Y tế, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán, Biên Hòa, Long Khánh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chỉ đạo tại Văn bản số 3809/VPCP-V.I ngày 3/12/2021, Theo đó, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đông Nai tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra những hạn chế, thiếu sót đã nêu tại phần kết quả thanh tra và phần KLTT; trên cơ cở đã có hình thức xử lý phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan, đồng thời xác định biện pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, thiếu sót nêu trên. 

PV