Thanh Hóa được thiên nhên ưu đãi với bờ biển dài 102 km, có 6 huyện, thị xã ven biển được hình thành bởi 5 cửa sông lớn đổ ra biển, là địa phương có ngư trường thuận lợi, nguồn thủy sản và giàu phong phú. Đối với tỉnhThanh Hóa, đánh bắt thủy hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển đời sống kinh tế của địa phương. Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bà con ngư dân Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi, đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng lực tàu cá tăng nhanh theo chiều hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ. đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa co gần 7000 tàu cá với các phương thức đánh bắt đa dạng từ đánh bắt gần bờ đến đánh bắt xa bờ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp linh hoạt, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn đạt trên 201 nghìn tấn, tăng 4,6% so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản vẫn đạt 4,2%.
Tuy nhiên đến năm 2022, bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh lại phát sinh vấn đề giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều phương tiện nằm bờ, thị trường tiêu thu hải sản không ổn định. Thêm nữa, ngư trường vịnh Bắc Bộ thu hẹp, nguồn lợi dần cạn kiệt, thiếu lao động đi biển, nguồn thủy sản từ đánh bắt tự nhiên dần khan hiếm, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của ngành Thủy sản Thanh Hóa hiện đang thiếu đồng bộ và có nhiều bất cập.
Theo thống kê hiện tại, tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 8 cảng cá; trong đó có 3 cảng cá lớn là cảng cá Hòa Lộc, cảng Cá Lạch Hới và cảng cá Lạch Bạng, trải qua nhiều năm sử dụng các công trình này đang bị bồi lấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí để nạo vét. Tàu thuyền nhiều lúc mắc cạn không thể ra khơi do phụ thuộc vào mức nước.
Mặt khác, diện tích thủy sản nuôi trồng thủy sản manh mún, sản lượng và năng suất chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Công tác quản lý chất lượng giống, vật tư trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung, phát triển nuôi cá lồng trên sông, biển và hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong chế biến, chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ chủ yếu tiêu thụ nội địa, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, mô hình liên kết chỉ thực hiện ở một số khâu, chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi từ cung ứng khai thác đến chế biến, xuất khẩu; sản phẩm chế biến xuất khẩu chưa đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao; cơ sở hạ tầng cảng cá thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các điều kiện của Ủy ban châu Âu (EC) về chống việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).Đây cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản. Sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm của năm 2022 giảm so với cùng kỳ.
Thực trạng đó đòi hỏi nghành thủy sản Thanh Hóa cần có những giải pháp phù hợp khắc phục những tồn tại nhằm giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển,khôi phục lại lĩnh vực kinh tế tiềm năng của tỉnh
Gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Thủy sản của tỉnh, trong dó có đề cập vẫn đề huy động nguồn lực nạo vét các luồng lạch, nâng cấp các cảng cá, bến cá và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cảng cá.
Cụ thể, đối với luồng lạch ra vào Cảng cá Lạch Bạng và sông Lạch Trường, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải xem xét. Đề nghị Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh đấu mối với các bộ, ngành Trung ương liên quan để sớm triển khai thực hiện nạo vét khơi thông luồng lạch. Đồng thời xây dựng đề án nạo vét sông Cung, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp nước cho hang nghìn ha nuôi trồng thủy sản của huyện Hoằng Hóa. Đấu mối với các bộ, ngành Trung ương để huy động nguồn lực triển khai thực hiện nâng cấp các cảng cá và các khu nuôi trồng thủy sản trước mùa mưa bão, đảm bảo tàu cá ra vào cảng thuận lợi. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương ven biển thống kê nhu cầu đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để có phương án hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm ổn định nguồn lao động cho nghề đánh bắt thủy sản.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt, theo quan điển của lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua vẫn đầu tư cho các tàu cá vươn khơi, bao tiêu hải sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đội đoàn kết trên biển, liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản vẫn là giải pháp thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản hải sản nhằm giảm số lượng lao động làm việc trên tàu cá, nâng năng suất, hiệu quả khai thác.
Hiện nay, Thanh Hóa đang phối hợp Tổng cục Thủy Sản, Viện Nghiên cứu hải sản thông tin dự báo ngư trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân cập nhật, phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả; tham mưu cho tỉnh báo cáo với Trung ương thực thi giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, trước mắt là bình ổn, hỗ trợ giá dầu, giảm bớt khó khăn cho ngư dân, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp nhằm vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, từng bước phục hồi tăng trưởng ngành thủy sản của tỉnh nhà.
Ngọc Lâm