Thách thức của ngành mía đường Việt Nam

10:57 01/12/2020

Dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

Ngày 1/12/2020, tại TP. Hà Nội diễn ra Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo, giao cho Cục Phòng vệ Thương mại và báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cùng tham dự còn có lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh lĩnh vực mía đường và nông dân trồng mía trên khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã khái quát tình hình và những thách thức lớn mà ngành mía đường phải đối diện trong bối cảnh hàng loạt các FTA như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (có hiệu lực từ 17/5/2010) và Hiệp định ATIGA 1992 gây sức ép lên toàn ngành.

Ông Phạm Tiến Nam cho biết, các Hiệp định Thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang các giống cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.  

Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan. Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.

Ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam phát biểu .

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường cho hay Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO).

"Để “cứu” ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Đặc biệt, ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28, trong đó triển khai các giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống”, ông Lộc cho biết.

Về vấn đề này, Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại.

Đại diện nông dân ở các tỉnh Kontum, Phú Yên, Trà Vinh... cho biết, trước đây cây mía là cây trồng chủ đạo để xóa đói giảm nghèo, nhưng hiện nay giá thu mua còn thấp hơn cả chi phí trồng mía, hoặc chỉ chênh không đáng kể, khiến người nông dân không còn mặn mà với trồng mía nữa, nhiều ruộng bỏ hoang. Người nông dân băn khoăn có nên tiếp tục hay chuyển đổi từ trồng mía sang cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn hay không.

Trước thực trạng của ngành mía đường Việt Nam nói trên, Hiệp hội mía đường Việt Nam, Hội Nông dân và đặc biệt là những người dân trồng mía mong muốn Chính phủ, các ban ngành chức năng có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, vào cuộc sát sao, để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, đồng thời nâng cao chất lượng mía đường Việt Nam. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại đường nhập lậu, để người Việt Nam dùng đường Việt Nam.

Trang Nhung.