Thời gian qua, huyện Yên Lập đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường, giao đất để xây dựng các công trình, dự án; tạo mặt bằng quỹ đất sạch thu hút, mời gọi đầu tư.
Huyện tăng cường tranh thủ nguồn lực đầu tư từ bộ, ngành trung ương, doanh nghiệp nhà nước; thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách trên địa bàn, đặc biệt là nguồn tiền sử dụng đất để tăng nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển; quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư hiệu quả, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kiểm soát việc phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, huyện đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Yên Lập để làm căn cứ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư đúng mục tiêu và có trọng điểm.
Nhờ huy động tối đa nội lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của trung ương và tỉnh, nguồn ngân sách huyện, xã, đầu tư của tư nhân từ các nguồn vốn xã hội hóa, đến hết quý I năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt trên 3.000 tỷ đồng, đạt 60,52% mục tiêu Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2025 đạt 5.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Trung Kiên- Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lập cho biết: Đã có hai chỉ tiêu hạ tầng về y tế và điện đạt mục tiêu Nghị quyết với 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% hộ được sử dụng điện; tỷ lệ hộ được sử dụng điện an toàn từ các nguồn trên 96%. Hai chỉ tiêu về hạ tầng giao thông, hạ tầng môi trường cơ bản đạt, trong đó chỉ tiêu giao thông được quan tâm ưu tiên huy động các nguồn vốn để đầu tư.
Cũng theo ông Kiên, trong hơn hai năm đã thực hiện cải tạo, nâng cấp 132,88km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới hai cầu giao thông; huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả cao, tổng số vốn đầu tư trên 907 tỷ đồng đạt 89,37% mục tiêu huy động vốn của Nghị quyết. Hạ tầng công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển nhanh, tổng nguồn vốn huy động gần 1.770 tỷ đồng, đạt 204,53% mục tiêu huy động vốn của Nghị quyết (vượt 104,52%) đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Thực tế những năm qua cho thấy, các dự án, công trình kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn đã bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng đang phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, kết nối giữa các xã, các vùng sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, hệ thống chợ, nhà văn hóa khu dân cư, cứng hóa kênh mương thủy lợi. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp nguồn vốn, vật tư, nhân lực, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng.
P.V