Quốc hội bàn giải pháp tăng trưởng GDP 8% và gỡ nút thắt nền kinh tế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn |
Tăng trần nợ công cần thận trọng và kiểm soát
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) ngày 26/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc điều chỉnh trần nợ công cho các địa phương trong dự thảo luật là có cơ sở, nhưng phải gắn liền với nguyên tắc kiểm soát nghiêm ngặt và bảo đảm chất lượng sử dụng vốn vay. Theo người đứng đầu ngành tài chính, mục tiêu cao nhất vẫn là tránh tạo thêm áp lực lên ngân sách và tránh những hệ lụy dài hạn cho nền tài chính quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại hội trường (Ảnh Quochoi.vn). |
Với hơn 11 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất, Luật Ngân sách nhà nước hiện tại đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương thay đổi và yêu cầu thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn ngày càng tăng. Trong khi đó, năng lực tài chính ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân chậm, hiệu quả sử dụng ngân sách chưa cao khiến dư luận lo ngại rằng “mở rộng cửa” vay nợ có thể dẫn đến “lạm phát nợ”.
Đáng chú ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) đề xuất cần cho phép các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM nâng trần dư nợ vay lên mức 150-200% thay vì 120% như quy định hiện tại, bởi đây là những trung tâm kinh tế đang triển khai hàng loạt dự án chiến lược cần nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, các ý kiến phản biện như của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, càng dễ vay thì càng dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ.
Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và nhấn mạnh rằng mọi điều chỉnh về trần nợ công sẽ không vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. Đồng thời, việc vay nợ phải đi kèm với điều kiện khắt khe về hiệu quả đầu tư, thời gian thu hồi vốn và trách nhiệm sử dụng ngân sách công minh bạch.
Cải cách phân cấp ngân sách phải đồng bộ luật
![]() |
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) |
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là việc tái cấu trúc hệ thống ngân sách nhà nước theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, hiện nay cấp xã là đơn vị sử dụng ngân sách cuối cùng nhưng lại phải quản lý các đơn vị sự nghiệp như trường học, trung tâm y tế... đang vận hành như đơn vị dự toán độc lập, khiến quy trình ngân sách lúng túng, không đồng bộ.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề xuất cần có điều khoản rõ ràng trong luật về ngân sách đặc thù cho các mô hình tổ chức không còn hội đồng nhân dân hoặc không còn tư cách pháp nhân tài chính. Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, phân cấp ngân sách cho các khu hành chính mới và đô thị đặc biệt, phù hợp với thực tiễn tổ chức chính quyền và nhiệm vụ chi tiêu công.
![]() |
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội). |
Ở góc độ quản trị ngân sách, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đề xuất cần thay đổi tư duy từ quản lý ngân sách theo “đầu vào” sang “đầu ra” nhằm đảm bảo hiệu quả và trách nhiệm giải trình cao hơn với cử tri. Việc chi tiêu ngân sách cần gắn với các kết quả cụ thể thay vì chỉ căn cứ vào định mức truyền thống.
Bà cũng nhấn mạnh cần có quy định chi tiết hơn về việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách, trong đó ưu tiên phân bổ khi địa phương đã sử dụng ít nhất 50% ngân sách cấp mình mà vẫn không đủ để xử lý các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Cách làm này sẽ tránh tình trạng địa phương ỷ lại ngân sách trung ương và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý ngân sách.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo luật là việc trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện chi tiết phân bổ ngân sách trung ương cho các lĩnh vực cụ thể như giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc này cần được cân nhắc kỹ bởi theo Hiến pháp 2013, Quốc hội vẫn là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong quyết định và phân bổ ngân sách trung ương. Nếu không quy định rõ ràng, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch và giảm vai trò giám sát từ cơ quan dân cử.