|
Việt Nam nên ưu tiên các chương trình đào tạo lại công nhân để hỗ trợ những người chuyển từ ngành nhiên liệu thông thường sang năng lượng tái tạo. Nguồn ảnh: VGP |
Đây không chỉ là giải pháp để tăng cường quy mô nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, mà còn mở ra cơ hội tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống – đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc mở rộng đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, là yếu tố quyết định cho một tương lai bền vững. Các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, từ đó tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn từ khu vực tư nhân.
Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP), nhấn mạnh rằng các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân đang góp phần thu hẹp khoảng cách tài trợ cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Những giải pháp tài chính hỗn hợp, bao gồm các khoản vay ưu đãi, trái phiếu xanh và bảo lãnh, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư mà còn thúc đẩy sự khả thi của các dự án đổi mới thông qua việc giải quyết những thách thức về vốn và rủi ro thị trường.
|
Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) |
Theo bà Kitty Bu, các nhà đầu tư tư nhân nên tập trung vào những cơ hội có tiềm năng mở rộng quy mô cao. Ví dụ, việc triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời tại các khu công nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải carbon trong ngành sản xuất mà còn mang lại lợi nhuận ổn định. Tương tự, các dự án năng lượng tái tạo do cộng đồng dẫn dắt, như lưới điện vi mô năng lượng mặt trời, có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và cung cấp điện cho các khu vực xa xôi, đồng thời trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương.
Quan trọng hơn, sự hợp tác giữa các nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng phát triển và các tổ chức chính phủ là chìa khóa để đảm bảo nguồn tài chính phù hợp với các mục tiêu năng lượng bền vững của Việt Nam. Các quan hệ đối tác này cần ưu tiên tính minh bạch, rõ ràng về chính sách để xây dựng niềm tin, giúp dòng vốn đầu tư được triển khai hiệu quả hơn.
Bà Kitty Bu gợi ý, Việt Nam nên học hỏi từ kinh nghiệm toàn cầu để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi năng lượng. Một trong những ưu tiên là đào tạo lại nguồn lao động để hỗ trợ công nhân chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, truyền thông minh bạch và sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp xây dựng lòng tin, đảm bảo rằng người dân cùng hưởng lợi từ những thành quả của quá trình chuyển đổi.
Các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung cũng mang lại nhiều lợi ích khi giúp giảm bất bình đẳng về năng lượng, thúc đẩy quyền sở hữu và tăng cường vai trò của doanh nghiệp địa phương.
|
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (EREA) hợp tác cùng GEAPP tổ chức buổi hội thảo kỹ thuật thảo luận về BESS vào tháng 6/2024. (Nguồn: GEAPP) |
Cuối cùng, sự chắc chắn về chính sách và khuôn khổ pháp lý rõ ràng sẽ là yếu tố cốt lõi để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và quản lý rủi ro. Theo bà Kitty Bu, việc đưa yếu tố công bằng và tính toàn diện vào chiến lược năng lượng sẽ giúp Việt Nam không chỉ cân bằng giữa tăng trưởng và bền vững mà còn tạo ra các giá trị kinh tế và xã hội lâu dài.
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam không chỉ là cơ hội để bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn là bước đệm quan trọng để xây dựng một tương lai phát triển bền vững, toàn diện và thịnh vượng.