Thực trạng các startup Việt Nam chưa chú trọng thị trường nội địa - nơi có thể cung cấp một nền tảng khách hàng mạnh mẽ, nhu cầu đa dạng...tạo đà cho sự phát triển bền vững của doang nghiệp đang là một vấn đề đáng chú ý trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Là người thường xuyên đồng hành cùng các startup Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Giám khảo cuộc thi “Khởi nghiệp xanh 2024” cho rằng, “cạnh tranh trong nước bây giờ còn khó hơn cạnh tranh nước ngoài”.
Theo quan sát của bà Lan, các Nhà sáng lập ở giai đoạn sớm thường có những vấn đề như: Xem trọng thị trường xuất khẩu hơn trong nước; cho rằng sự chuyển động của chính trường thế giới không ảnh hưởng đến mình; nhiều bạn trẻ khởi nghiệp mang theo sự phiến diện khi vẽ bức tranh tài chính cho doanh nghiệp; bên cạnh đó lại ít chịu liên kết với các startup và doanh nghiệp khác.
Tại sao startup Việt không ưu tiện chọn thị trường nội địa?
Thị trường Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, bao gồm cạnh tranh gay gắt, thói quen tiêu dùng đa dạng và sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng thị trường. Một số startup có thể cảm thấy khó khăn khi phải thuyết phục người tiêu dùng trong nước chấp nhận sản phẩm mới.
Không loại trừ lý do nhiều startup không đầu tư đủ vào việc nghiên cứu thị trường nội địa, dẫn đến việc thiếu hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này sẽ làm giảm khả năng phát triển sản phẩm, khó đáp ứng được thị trường trong nước.
Hơn nữa, phần lớn startup Việt phải đối mặt với áp lực tăng trưởng nhanh chóng để thu hút vốn đầu tư. Do đó, họ có xu hướng tìm kiếm những thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, thường ở nước ngoài, thay vì tập trung vào thị trường nội địa.
Thị trường nội địa nhiều tiềm năng
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng không phủ nhận thị trường nội địa chứa nhiều cơ hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính…Việc khai thác tốt thị trường nội địa có thể giúp các startup phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.
Hiện cả nước có 1.241 siêu thị, 254 trung tâm thương mại. Hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu và châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở ở Việt Nam như: Lotte, Central Group, TCC Group, Aeon, Circle K, KMart, Auchan, Family Mart…).
Ảnh minh họa (nguồn: internet). |
Toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương. Chợ truyền thống với con số 8.517 chợ (61 chợ đầu mối), gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hoạt động. Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline), tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất…
“Trên thế giới, hiếm có nền kinh tế nào lại mở như Việt Nam, khi xuất khẩu chiếm thành phần chủ đạo trong nền kinh tế. Vậy nên, tính cạnh tranh ở thị trường Việt Nam chẳng thua gì thị trường toàn cầu. Thậm chí có khi thị trường trong nước còn khốc liệt hơn so với toàn cầu” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại cuộc thi “Khởi nghiệp xanh 2024”.
Theo chuyên gia kinh tế nhận định: “Chỉ khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa mạnh, tức có thể chiếm được thị phần nổi trội và có thể sống khỏe ở sân nhà, thì nội lực của đất nước mới tăng lên”. Chúng ta không nên xem các doanh nghiệp cùng ngành là đối thủ cạnh tranh mà hãy xem là đối tác, lúc cần có thể hợp tác nhân đôi sức mạnh và cộng hưởng vượt lên. Hợp tác không nhất thiết là với doanh nghiệp cùng ngành mà có thể với doanh nghiệp khác ngành. Với startup ít nguồn lực thì hợp tác là chiến lược vừa cần lại vừa quý.
Để cải thiện tình trạng này, các startup Việt cần đánh giá lại chiến lược kinh doanh của mình và tìm cách kết hợp giữa việc phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa và việc mở rộng ra quốc tế, từ đó tối ưu hóa cơ hội thành công và phát triển lâu dài.
Thị trường nội địa không chỉ là tác nhân kích thích sản xuất hàng hoá, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để mở rộng kinh tế đối ngoại.