Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, giống như một cuộc tái đấu đầy mệt mỏi trên chính trường Hoa Kỳ. Mặc dù vẫn cùng là hai ứng cử viên của năm 2020 trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng cuộc bầu cử của năm nay đã chứng kiến những thay đổi đáng kể so với trước đây. Những người ủng hộ ông Trump rõ ràng đã không còn là những công nhân cổ cồn xanh giận dữ đến từ các bang ủng hộ đảng Cộng hoà và đội mũ MAGA (Make America Great Again) tại các cuộc biểu tình. Giờ đây, họ là một trong những nhà tài phiệt, những doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ, bày tỏ sự bất bình trên mạng, lo lắng về tình trạng nhập cư và cuộc chiến ở Ukraine cũng như đặt ra những nghi ngờ về các thành tựu của chính quyền ông Biden, và thậm chí là cả về tuổi tác của vị tổng thống đương nhiệm này.
Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Citadel Ken Griffin và đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Oracle Corp. Larry Ellison, cùng những người khác đang công khai hoặc âm thầm ủng hộ ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa và viễn cảnh quay trở lại thời kỳ hỗn loạn chính trị dưới thời ông Trump. Nói cách khác, một vài người với khối tài sản kếch xù đã tăng trưởng thuận lợi trong vài năm qua và đã hưởng lợi từ sự ổn định như hiện tại, thì giờ đây lại là những người đang nỗ lực nhất để đảo ngược tình trạng đó. Ông Charles Myers, Chủ tịch của Signum Global Advisors và cố vấn chính trị của đảng Dân chủ, cho biết: “Vài người trong số họ đến từ thế giới công nghệ và một phần thành công của họ dựa trên tình trạng rối loạn”. “Họ cho rằng, đất nước và nền chính trị của chúng ta cần có sự gián đoạn triệt để và sự hỗn loạn xung quanh việc đó đang thu hút họ”.
Bằng chứng về cuộc nổi dậy của giới tài phiệt này ngày càng một rõ nét. Bloomberg News đưa tin Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald LP, Howard Lutnick và Giám đốc Quỹ phòng hộ John Paulson đã tổ chức một buổi gây quỹ cho ông Trump vào tháng 4. Tỷ phú và nhà hoạt động nổi tiếng Nelson Peltz đã công khai ủng hộ ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. Ngay cả những nhà tài phiệt như nhà phát triển khách sạn Robert Bigelow, người ban đầu phản đối ông Trump và trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Thống đốc bang Florida Ron DeSantis trong cuộc tranh cử sơ bộ, cũng đã đảo ngược quyết định và ủng hộ cho cựu Tổng thống Donald Trump. Theo ý kiến của một số nhà tư bản, việc chính quyền của ông Trump lên cầm quyền sẽ là tin tích cực cho thị trường vốn. Ông Trump thường mang lại cảm giác rằng chính phủ luôn ủng hộ và không hề phản đối người dân.
Hiện nay, rất nhiều lãnh đạo đến từ Thung lũng Silicon đang lên tiếng ủng hộ ông Trump, dù trước đây họ là những người nghiêng về phía chủ nghĩa tự do xã hội và là nguồn ủng hộ cho các chính trị gia Dân chủ như Hillary Clinton và Barack Obama. Theo hãng tin Puck, Chủ tịch Ellison của gã khổng lồ Oracle gần đây đã nhiều lần ăn tối với ông Trump. Các nhà lãnh đạo công nghệ khác, bao gồm nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks và Marc Andreessen, dù chưa chính thức ủng hộ bất cứ ứng viên nào, lại thường xuyên chỉ trích ông Biden và các chính sách của ông đối với X, mạng xã hội Twitter trước đây. Ngay cả tỷ phú Elon Musk cũng thể hiện sự chuyển đổi chính trị từ một người theo Đảng Dân chủ sang ủng hộ tư tưởng Cộng hoà. Dù nói rằng mình sẽ không quyên góp tiền cho bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào, nhưng gần đây ông Musk thường xuyên đăng tải các bài viết nhằm chống lại điều mà ông gọi là “virus đánh thức tâm trí”, đồng thời tán thành thuyết âm mưu rằng chính quyền của ông Biden đang cho phép nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ để tạo ra một khối bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.
Câu trả lời cho sự đảo ngược tình thế như hiện nay nằm ở lời giải thích vô cùng đơn giản và dễ hiểu mang tính duy vật: giới tài phiệt Mỹ đang hành động dựa trên nỗi sợ hãi gần như không thể che giấu rằng số đông đang nhắm đến khối tài sản khổng lồ của họ. Trên thực tế, chính quyền của ông Biden đã đe doạ điều này một cách rõ ràng. Trong bài phát biểu tại Liên bang, ông kêu gọi đánh thuế tỷ phú 25% đối với tài sản của bất kỳ cá nhân nào có tổng tài sản trị giá nhiều hơn 100 triệu USD. Cụ thể hơn, việc đánh thuế không chỉ dừng lại ở tổng thu nhập hay lãi vốn hàng năm của họ. Ông Biden cũng đã có kế hoạch tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và hủy bỏ các đợt cắt giảm thuế dành cho người giàu dưới thời ông Trump, điều mà ông cho là nguyên nhân khiến nợ liên bang tăng vọt.
Chương trình nghị sự của ông Biden cũng vượt xa việc cắt giảm thuế. Ông đang nỗ lực xóa bỏ sự chuyển đổi sang các chính sách ủng hộ tư bản, chống công đoàn bắt đầu từ thời của Tổng thống Ronald Reagan vào những năm 1980, điều mà nhiều nhà kinh tế đổ lỗi là nguyên nhân khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Ông Biden đã đến thăm cuộc biểu tình của United Auto Workers (UAW) trong cuộc đình công kéo dài 46 ngày vào mùa thu năm ngoái, sau đó ủng hộ Chủ tịch UAW Shawn Fain trong bài phát biểu của ông trước Quốc hội. Liên đoàn gần đây đã công bố nỗ lực tổ chức công đoàn tại nhà máy sản xuất xe điện của Tesla.
Chính quyền của ông Biden cũng đã tích cực xem xét và ngăn chặn các hoạt động mua bán và sáp nhập, một quan điểm khác có thể không được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ưa chuộng. Bà Nidhi Hegde, Giám đốc điều hành của Dự án Tự do Kinh tế Hoa Kỳ, cho biết: “Họ (các lãnh đạo doanh nghiệp) đã phàn nàn về Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Lina Khan và những người thực thi đạo luật chống độc quyền”. Bà lưu ý, điều trớ trêu là “trong khi chương trình nghị sự ủng hộ cạnh tranh bình đẳng này thực sự thành công, nhiều vụ kiện chống độc quyền chống lại các gã khổng lồ công nghệ lại được thúc đẩy dưới thời ông Trump”.
Đây là các lý do hợp lý khiến một số nhà lãnh đạo công nghệ và Phố Wall có thể có thiện cảm với người đương nhiệm trước đó. Nhưng bên cạnh đó có lẽ cũng có một vài yếu tố cảm xúc. Giới siêu giàu có thể thực sự hứng thú với những cảm xúc trái ngược và thái quá trên mạng xã hội. Ông Jeff Hauser, Giám đốc điều hành của Revolving Door Project, một nhóm theo dõi những người được bổ nhiệm vào nhánh hành pháp, cho biết: “Họ thích thú với những người bị ông Trump gây khó chịu và tức giận”.
Ngoài ra còn có yếu tố đáp trả đến từ một nhóm người, bất kể mức độ giàu có của họ, tự coi mình là nạn nhân. Chiến thắng của ông Trump vào năm 2016 đã làm gia tăng sự giám sát đối với các công ty công nghệ trong và ngoài Washington, đồng thời dẫn đến sự đánh giá lại không khoan nhượng đối với tỷ phú Musk và các nhà lãnh đạo công nghệ khác. Ông Hauser nói: “Việc những gã khổng lồ công nghệ mất đi sự ân sủng trong mắt nền văn hóa đại chúng đã góp phần gây ra phản ứng dữ dội của họ đối với ông Biden và Đảng Dân chủ”. “Họ nghĩ rằng họ đã bị trói buộc và không được tôn trọng”.
Phần lớn sự ủng hộ dành cho ông Trump này đến từ sự tức giận và căng thẳng rõ rệt giữa giới siêu giàu và giới tinh hoa chính trị, học thuật và truyền thông. Các tỷ phú Musk, Andreessen và ông trùm quỹ phòng hộ Bill Ackman đã dự đoán một chiến thắng dễ dàng cho cựu tổng thống Trump. Họ cũng phản đối các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn có xu hướng chỉ ra những lời dối trá và mối đe dọa của ông Trump đối với nền dân chủ, cũng như chống lại các trường đại học hàng đầu mà họ cho rằng đã áp dụng các quan điểm nguy hiểm về các vấn đề từ chủ nghĩa bài Do Thái đến sự đa dạng, công bằng và hòa nhập.
Dưới góc độ này, các tỷ phú cũng không có khác biệt nhiều so với nhóm cử tri chính của ông Trump, bao gồm các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động có trình độ học vấn thấp. Cả hai nhóm đều có xu hướng nhìn thấy một âm mưu của giới tinh hoa, những người muốn tước đoạt sự ảnh hưởng, chiếm đoạt tiền của họ và phung phí lợi thế của Mỹ ở nước ngoài. Mặt khác, việc lấy lòng vị tổng thống tiềm năng tiếp theo và bảo vệ lợi ích kinh tế có lẽ cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa thông minh của giới tài phiệt.
Lân Nguyễn (tổng hợp từ Bloomberg, CNN, The Nation)