Lực lượng lao động của Ấn Độ có hơn 450 triệu người trong đó 50 triệu nhân sự làm việc trong ngành sản xuất. An toàn lao động là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế phát triển rộng lớn và tốc độ chuyển động vượt bậc. Năm 2019, chính phủ Ấn Độ công bố số lượng người chết do tai nạn lao động lên đến 47000 người chỉ đứng sau tai nạn đường bộ. Nâng cao an toàn cho lực lượng lao động là ưu tiên của tất cả các tổ chức có trách nhiệm tại Ấn Độ.
Ra đời với sứ mệnh cao cả tìm ra cách tiếp cận mới an toàn tại nơi làm việc, ITC Limited xuất hiện trong đa dạng các nhóm ngành như thuốc lá, hàng tiêu dùng, khách sạn, bao bì, bìa, giấy và kinh doanh nông sản. Công ty đã đầu tư nhiều năm kinh nghiệm cùng nguồn vốn đáng kể để tìm ra các tiêu chuẩn tốt nhất trên toàn cầu.
Vậy tại sao phải tư duy thiết kế? ITC nhận ra rằng những cải tiến quy trình và cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp giảm thiểu tai nạn tuy nhiên những can thiệp trên là chưa đủ. Bất chấp mọi nỗ lực, các vụ tai nạn xảy ra hàng ngày. Có thể lấy ví dụ những sự cố liên quan xử lý vật liệu, hóa chất không đúng cách hay công nhân bị vướng vào máy móc đang hoạt động. Trước nhu cầu tìm hiểu rõ hơn về thái độ, hành vi của người lao động và quản lý lao động, ITC đã tiến hành tìm hiểu các vấn đề như tại sao người lao động chấp nhận làm việc trong điều kiện thiếu an toàn lao động, tại sao người lao động không chủ động báo cáo tình trạng để giải quyết kịp thời,... Công ty hy vọng rằng đặc điểm tư duy thiết kế lấy con người làm trung tâm có thể giúp điều chỉnh và cải tiến quy trình thông thường.
Phát triển cách tiếp cận tư duy thiết kế
ITC đã sử dụng thiết kế nghiên cứu kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng, nhằm nỗ lực cung cấp chiều sâu và bề rộng về hành vi an toàn lao động. Công ty bắt đầu với các đánh giá an toàn dưới dạng khảo sát, trong đó công nhân và quản lý sẽ điền thông tin tương ứng. Kế đến, ITC sử dụng phương pháp gọi là “Sandwich” bao gồm hai vòng phỏng vấn. Trong vòng phỏng vấn đầu tiên, công ty tìm hiểu nhận thức về an toàn và thực hành an toàn cũng như mức độ ưu tiên. Kế đó, ITC tiến hành quan sát các quản lý và nhân viên trong nhiều giờ làm việc rồi thực hiện phỏng vấn lại để hiểu rõ hơn sự khác biệt trước và sau tác động. Động thái này cũng cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về các yếu tố như nhận thức, hành vi, động lực.
Một phương pháp khác là sử dụng bản đồ đo lường thái độ, một kỹ thuật trực quan khám phá các liên kết tạo ra bởi từ ngữ và hình ảnh. ITC đã yêu cầu người lao động và quản lý lập bản đồ suy nghĩ về các hành vi không an toàn xuất hiện trong cuộc sống cá nhân như nhảy khỏi xe buýt khi xe đang chạy hoặc vượt đèn đỏ. Bằng cách chia sẻ, công ty sẽ đánh giá được khả năng chịu đựng đối với từng cá nhân và loại rủi ro khác nhau, từ đó xây dựng hệ thống niềm tin của người lao động và các bên liên quan.
Sau quá trình tìm hiểu và trang bị nhận thức cơ bản về thái độ đối với hành vi an toàn, ITC tiếp tục thử nghiệm các biến pháp thúc đẩy hành vi để xem liệu người lao động có đưa ra các lựa chọn an toàn hơn hay không. Ví dụ, công ty cho nhân viên và quản lý ký cam kết trong vòng 1 ngày. Cụ thể, nhân viên sẽ liệt kê các điều kiện thiếu an toàn lao động ra một bảng trắng, phía quản lý cần phải giải quyết những vấn đề trên trong thời hạn đề ra, như vậy, cách làm này không chỉ khuyến khích các nhà quản lý đảm bảo an toàn lao động mà còn thúc giục nhân công chủ động báo cáo tình hình.
Nhiệm vụ tiếp theo là tổng hợp tất cả các nghiên cứu đã thu thập để xác định vấn đề sâu xa hơn, mang lại hiểu biết sâu sắc có thể truyền cảm hứng và cung cấp các giải pháp. Trên thực tế, hiện nay an toàn được coi là trách nhiệm của cấp quản lý. Về mặt lý thuyết đúng là như vậy nhưng điều này đồng thời đòi hỏi ý thức ở cấp độ cá nhân người lao động. ITC một lần nữa cho ra mắt các chương trình đào tạo về Tư duy Thiết kế và Kinh tế Hành vi để cho phép các nhà quản lý nắm quyền sở hữu các phương pháp tiếp cận mới, đảm bảo an toàn của người lao động. Trong chương trình đào tạo, các nhà quản lý được tiếp cận với phương pháp luận cũng như kết quả nghiên cứu mà ITC đã thực hiện.
Chẳng hạn, nhằm lưu ý thông điệp an toàn cho người lao động và quản lý, công ty thiết kế các mã thông báo nhỏ gọn có thể bỏ túi cùng với lời nhắn tích cực và đưa ra lựa chọn an toàn. Mỗi công nhân sẽ được phát một mã thông báo trước khi vào nhà máy và tiến hành đánh giá ẩn danh điều kiện làm việc ngày hôm nay "an toàn" hay "không an toàn". Cơ hội phản ánh hành vi đã khiến lao động nhận thức rõ hơn về thông điệp điều kiện việc làm. Theo thời gian, kết quả cho thấy ngày càng có ít hành vi rủi ro hơn và hộp "an toàn" nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Bên cạnh đó, ITC nhấn mạnh trách nhiệm giải trình hai chiều nếu phát sinh sự cố. Quản lý cũng như nhân công cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm đối với bên còn lại và tạo ra quá trình tương tác. Để làm được điều này, nhà máy lập bảng các danh sách điều kiện không an toàn và báo cáo đã giải quyết được bao nhiêu sự cố mỗi ngày. Vào dịp lễ kỷ niệm an toàn lao động nhà máy, ban lãnh đạo cấp cao sẽ khen thưởng cho các quản lý, công nhân đã chấp hành và có ý thức về an toàn lao động. Dần dần, người lao động không còn chấp nhận các điều kiện làm việc nghèo nàn mà tích cực tuân thủ các hướng dẫn liên quan. Khi người lao động và quản lý bắt đầu hiểu rõ tầm quan trọng của hành vi cá nhân tác động đến môi trường làm việc, chính họ sẽ trở thành nguồn lực, người truyền bá các tư tưởng, nhận thức đúng đắn về điều kiện làm việc lý tưởng.
Các chỉ số tiến bộ
Các chỉ số an toàn của nhà máy dần được cải thiện kể từ khi bắt đầu chương trình thử nghiệm và trở thành trách nhiệm của cả tập thể. Những con số "biết nói" thúc đẩy công ty mở rộng giải pháp trên toàn nhà máy, sửa đổi thiết kế và đào tạo chuyên sâu. Tựu chung, tư duy thiết kế là một quá trình nghiên cứu, hình thành và thử nghiệm chuyên sâu, đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian để cải thiện. Mặc dù áp dụng phương pháp trên vào vấn đề bức thiết như an toàn lao động sẽ làm tăng chi phí nhưng bằng cách giả định hành vi của người lao động, ITC đã sáng chế ra công cụ mạnh mẽ cải thiện điều kiện việc làm trên khắp thế giới.
Đức Anh