So với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trong nước tăng cao

22:12 03/03/2023

Ngày 3/3, Chính phủ tổ chức phiên họp báo Chính phủ thường kỳ nhằm thông tin tới báo chí về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của cả nước tháng 2/2023.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh buổi họp báo.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm thảo luận tập trung về: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; Tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Chính phủ nhận định, tháng 2 là tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi đáng chú ý. Tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới. Giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; sức mua giảm sút từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022.

Tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; có 261 dự án cấp mới, gấp 1,4 lần. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cấp 78 triệu thẻ căn cước có gắn chip cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022. Cổng dịch vụ công quốc gia có trên 177 triệu hồ sơ xử lý, tăng 23 triệu hồ sơ so với cuối năm 2022. Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt triển khai ở 61/63 tỉnh, thành phố.

Có thể thấy, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong 2 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm 2023 tăng 4,6%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 01 lên 51,2 điểm trong tháng 02 thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1 và tăng 3,6% so với cùng kỳ. 

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 52,3%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 37%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 30,3%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 21,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 21%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,4%.

Hoạt động thương mại, dịch vụ hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), ước đạt 994,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 781,8 tỷ đồng, tăng 10,1%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 96,06 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD; vận chuyển hành khách tăng 34,3% và luân chuyển hành khách tăng 69,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 20,3%; khách quốc tế thăm nước ta ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước do các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được ban hành: Quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Quảng Ninh; TP Hải Phòng; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình...

Ngọc Phi (TH)

Tags: