Xuất xứ hàng hóa - Lá chắn để bảo hộ sản xuất trong nước
Sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều của cả hai khu vực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước. Song, sau một năm nhìn lại cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.
Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Hiệp định và có Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá tương ứng. Mặc dù tiêu chí xuất xứ cụ thể có thể khác nhau giữa các mặt hàng, có những quy định chung về xuất xứ hàng hoá và quy trình chứng nhận xuất xứ tại Hiệp định mà hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ khi tham gia vào sân chơi EVFTA.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã từng có nhận định rằng, trong các FTA cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa đóng vai trò quan trọng, không chỉ đơn thuần là việc xác định quốc gia, nơi sản xuất hàng hóa, mà xuất xứ hàng hóa còn là điều kiện cần thiết để các mặt hàng có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường. “Trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xuất xứ hàng hóa trở thành một công cụ, lá chắn mà các quốc gia sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp pháp”, ông Hải nói.
Xuất xứ hàng hoá gắn liền với nơi làm ra phần trị giá, làm ra phần biến đổi về bản chất của hàng hoá. Để xác định nơi đó, tại các Hiệp định thương mại tự do, các nhà đàm phán cùng thống nhất với nhau về Bộ quy tắc xuất xứ tuy theo từng hiệp định.
Thông tin về vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các cam kết hội nhập, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) cho biết, xuất xứ hàng hóa gắn liền quốc tịch để kiểm tra xem hàng hóa đến từ đâu và hàng hóa này sẽ được xác định theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi hàng hóa được sản xuất.
Bà nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ này có khái niệm khác với việc ghi nhãn xuất xứ như “Made in Vietnam", “Product of Vietnam", đồng thời cũng không trùng và liên quan nhiều đến việc truy xuất nguồn gốc, hoặc vấn đề thương hiệu
Quy tắc xuất xứ là bộ quy tắc nhằm đảm bảo hàng hóa có đúng là đến từ khối thương mại tự do đó hay không, và khi hàng hóa chứng nhận được xuất xứ sẽ được cấp giấy gọi là C/O để hưởng những thuế quan ưu đãi/ không ưu đãi khi nhập khẩu vào nước đối tác FTA.
Mặt khác, bà Hiền khuyến cáo, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa tỉ lệ tận dụng FTA; tỉ lệ sử dụng C/O và tỉ lệ cấp C/O ưu đãi, bởi trước nay rất nhiều bài báo, tài liệu nghiên cứu từ trong đến ngoài nước đang đánh đồng việc tỉ lệ cấp C/O bao nhiêu cũng chính là tỉ lệ tận dụng FTA.
Quy định xuất xứ hàng hóa phụ thuộc vào từng thị trường
Cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất nhưng khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.
Dẫn chứng điển hình được bà Hiền nhắc tới là lô hàng dệt may cùng một nhà máy sản xuất, cùng mặt hàng, cùng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra nhưng xuất khẩu đi thị trường khác nhau là Singapore, EU và Canada.
Với thị trường Singapore, số hàng hóa này đáp ứng xuất xứ Việt Nam bởi Singapore là 1 thành viên của ASEAN và trong khuôn khổ ASEAN, quy tắc xuất xứ với dệt may chỉ cần cắt may thành quần áo thì sản phẩm quần áo cuối cùng đã được coi là có xuất xứ Việt Nam, được hưởng ưu đãi.
Tuy nhiên, số hàng hóa này khi xuất khẩu sang EU lại yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi. Điều này có nghĩa là quy tắc 2 công đoạn, công đoạn dệt vải và cắt may quần áo phải được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA.
Còn khi xuất sang Canada, quy tắc xuất xứ lại theo khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là từ sợi trở đi. Điều đó có nghĩa là công đoạn se sợi, dệt thành vải và cắt may thành quần áo đều phải thực hiện tại các nước thành viên CPTPP thì mới được hưởng ưu đãi.
Sẽ có câu chuyện đặt ra là cùng một nhà máy xuất khẩu đi, khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) trong ASEAN thì các tổ chức của Bộ Công Thương vẫn cấp bình thường, nhưng khi cấp C/O đi EU thì không đáp ứng và lô hàng đó không đạt tiêu chí coi là xuất xứ Việt Nam. Xuất xứ Việt Nam còn phụ thuộc vào cam kết như thế nào, đi thị trường nào và mặt hàng nào” bà Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hiền cũng chia sẻ rằng: “Doanh nghiệp và hàng hóa Việt hiện nên biết tận dụng quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ thực thi EVFTA. Trước đây có nhiều tư liệu cho rằng cấp siêu ưu đãi được bao nhiêu có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp của chúng ta đang tận dụng được những lợi thế vè FTA bấy nhiêu, nhưng điều này là không phải. Bởi vì, trong FTA, ví dụ với các hàng hóa đi EU, khổng chỉ là có việc các tổ chức cấp CO mà còn có việc là các doanh nghiệp đang tự chứng nhận xuất xứ”.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong quá trình xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm. Bà Hiền dẫn chứng về sản phẩm gỗ của một công ty nổi tiếng của Việt Nam xuất khẩu đi Nhật. Lô hàng này là những lọ đựng gia vị bằng gỗ nhưng có một số bộ phận bằng nhựa hoặc sứ. Tại cảng Tokyo, trên C/O là sản phẩm đồ gỗ, nhưng cơ quan Hải quan Tokyo nói rằng đây là sản phẩm nhựa dù tất cả các bộ phận khác bằng gỗ, chỉ lòng trong hộp được làm bằng nhựa và họ yêu cầu cơ quan cấp C/O xác định xem nếu sản phẩm bằng nhựa có đáp ứng hay không. Nhưng cũng vẫn lô hàng đó đến cảng Osaka của Nhật thì cùng lại được xác nhận là sản phẩm bằng sứ vì có vỏ ngoài là sứ, còn lại chi tiết khác thì bằng gỗ. Sau đó, Cục Xuất nhập khẩu đã phải liên hệ với bên Hải quan là đầu mối của Nhật Bản để thống nhất một quy định, tránh gây phức tạp, doan nghiệp phải làm đi làm lại hồ sơ.
“Doanh nghiệp của chúng ta rất khổ khi cùng 1 lô hàng đi các cảng khác nhau của cùng một nước lại đang bị đối xử với những cách xác định khác nhau, và sau đó doanh nghiệp lại phải làm một bộ hồ sơ khác chứng minh xuất xứ sản phẩm để được hưởng ưu đãi thuế quan. Chính vì vậy, doanh nghiệp hãy hỏi trước bên Hải quan nước nhập khẩu xem hải quan chấp nhận sản phẩm đó là gì thì mới làm hồ sơ bên này cho tương ứng”, bà Hiền cho hay.
Do vậy, bà Hiền khuyến cáo, các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan.
"Doanh nghiệp của Việt Nam không chỉ bị bắt những lỗi liên quan bản chất xuất xứ hàng hóa mà đôi khi chỉ là lỗi về thủ tục. Trong quá trình thực hiện quy trình thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý tất cả các khâu, dù là chi tiết nhỏ nhất", bà Hiền nhấn mạnh.
4 vấn đề cần lưu ý trong quy tắc xuất xứ
Văn bản cao nhất liên quan đến Quy định xuất xứ hàng hoá đó là Luật Quản lý ngoại thương, sau đó hướng dẫn Luật này có Nghị định số 31, tiếp theo có các Thông tư khác hướng dẫn các FTA.
Nếu như tra cứu các thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hoá thì chúng ta sẽ rất có rất nhiều văn bản, bởi với mỗi Hiệp định, mỗi một FTA thì sẽ có ít nhất một thông tư tương ứng để hướng dẫn về việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định đó, cứ 5 năm thì mã HS của Hải quan thay đổi một lần và cứ 5 năm Thông tư sẽ lại được cập nhật, nâng cấp, thay đổi. Vậy nên hàng hoá đi thị trường nào, chúng ta sẽ tra cứu Thông tư của hướng dẫn thực hiện tương ứng.
Bà Hiền chia sẻ thêm: “Việc triển khai quy tắc xuất xứ EVFTA đã được nội luật hóa tại Thông tư số 11 năm 2020 của Bộ Công Thương, và với cơ chế chứng nhận xuất xứ cũng đã được thể hiện rất rõ trong Thông tư. Cụ thể, với những lô hàng có giá trị từ 6.000 euro trở xuống, doanh nghiệp sẽ được phép tự chứng nhận xuất xứ, không cần văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, không cần phải đáp ứng thêm điều kiện về tiểu tiết hay phải đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm bao nhiêu triệu đô thì mới được tự chứng nhận xuất xứ. Còn đối với các lô hàng trên 6.000 euro thì chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phải được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX. Cơ chế này cũng ảnh hưởng đến việc thực thi triển khai về xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ EVFTA”.
Quy tắc xuất xứ cần để ý tới 4 vấn đề: Cách xác định xuất xứ, các quy định liên quan đến xuất xứ, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế xác minh xuất xứ.
Đây là 4 vấn đề xuyên suốt hầu như Hiệp định thương mại tự do nào cũng sẽ theo khung này, tuy nhiên tùy từng Hiệp định thương mại tự do sẽ có những chi tiết khác nhau trong bối cảnh đàm phán và cam kết khác nhau.
Việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp họ lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Việt Nam đã là thành viên của nhiều FTA, bà Trịnh Thị Thu Hiền lưu ý, doanh nghiệp có thể tùy chọn FTA nào có lợi nhất, mức thuế nào thấp hơn, quy tắc xuất xứ nào dễ đáp ứng để đạt mức độ thỏa mãn xuất xứ cao nhất, từ đó ưu đãi thuế sẽ tốt hơn.
“Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được cấp C/O ưu đãi và đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu”, bà Hiền giải thích.
Bảo Bảo