Tối ưu hóa mạng lưới sân bay: Phát triển sân bay nhỏ làm vệ tinh cho sân bay lớn Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị TP. Đà Nẵng |
Thay đổi tư duy trong quy hoạch để hướng tới đô thị hiện đại
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành một thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Được kỳ vọng là công cụ then chốt để quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, Quy hoạch Thủ đô không chỉ đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà còn chú trọng đến các yếu tố môi trường và hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Minh họa) |
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trần Ngọc Chính, cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội lần này được xây dựng với một tầm nhìn mới mẻ và tư duy đổi mới. Hà Nội cần phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực hạ tầng, quản lý đô thị và đặc biệt là xây dựng cơ chế thể chế phù hợp để thúc đẩy phát triển nhanh chóng và bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường, và sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư, Quy hoạch Thủ đô cũng cần có những giải pháp linh hoạt, tích hợp để vượt qua các nút thắt. Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp chính quyền, cũng như sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới không chỉ là một nhiệm vụ phát triển đô thị, mà còn là một sự chuyển mình mạnh mẽ về thể chế. Điều này sẽ mở ra không gian rộng lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực như đầu tư công, công nghệ thông tin, và hạ tầng giao thông. Hà Nội cần tiếp tục phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho chính quyền thành phố, qua đó tạo động lực cho sự phát triển.
KTS Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam |
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị và mạng lưới giao thông công cộng. Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa các khu vực trung tâm và vùng ngoại ô là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo ông Nghiêm, hệ thống giao thông đô thị hoàn chỉnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, đồng thời tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, các tuyến đường sắt đô thị sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị mới, đặc biệt là các khu vực ngoại thành, tạo ra cơ hội phát triển bền vững.
Quy hoạch phải có tầm nhìn và cơ hội cho tương lai
Một vấn đề không thể bỏ qua trong Quy hoạch Thủ đô là việc bảo vệ an ninh nguồn nước và ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu. Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh cho biết, Quy hoạch đã chú trọng đến các giải pháp bảo vệ không gian thoát lũ, quản lý và sử dụng bãi sông một cách hợp lý, tránh việc xây dựng các công trình làm cản trở dòng chảy, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Đặc biệt, ông Ánh cho rằng, việc phát triển các khu vực xanh, khu vực công cộng phục vụ cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng không gian sống của người dân, đồng thời bảo vệ và duy trì môi trường tự nhiên. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Trong khuôn khổ Quy hoạch Thủ đô, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn diện, bao gồm các phân vùng thực hiện, tiến độ, lộ trình và các khu vực trọng điểm phát triển. Quy hoạch này không chỉ tập trung vào các khu vực đô thị lớn mà còn chú trọng đến việc phát triển các khu vực ngoại ô, nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải ở các khu vực trung tâm và phát huy hết tiềm năng của các khu vực chưa phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển bền vững các khu đô thị mới sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, việc huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện quy hoạch hiệu quả.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam |
Đánh giá về Quy hoạch Thủ đô, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, đây là cơ hội vàng để Hà Nội phát triển trong kỷ nguyên mới. Quy hoạch không chỉ đưa ra các giải pháp về hạ tầng, giao thông, môi trường mà còn giúp định hình một xã hội hiện đại, thông minh và sáng tạo. Hà Nội cần tận dụng cơ hội này để phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế số, chính quyền số, và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra những đột phá lớn trong tương lai.
Theo ông Nghiêm, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ sẽ là chìa khóa để đưa Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý đô thị và phục vụ cộng đồng. Quy hoạch Thủ đô cần phải linh hoạt, minh bạch và khả thi, qua đó tạo điều kiện để cộng đồng xã hội tham gia giám sát và thực hiện các mục tiêu phát triển một cách hiệu quả.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2021-2030 là một bước đi quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của thành phố. Với tầm nhìn và các giải pháp sáng tạo, Quy hoạch Thủ đô sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trở thành một thành phố hiện đại, xanh và bền vững, xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, và văn hóa của cả nước.