Bài liên quan |
Đề xuất giảm thuế VAT còn 8%, người tiêu dùng hưởng lợi gì? |
Giảm thuế VAT xăng dầu: Đòn bẩy hạ giá, kích cầu toàn nền kinh tế |
Chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc tiếp tục giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng (VAT). Đây là giải pháp tài khóa từng bước được thực hiện trong thời gian qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và ổn định tăng trưởng.
Phần lớn các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Việc giữ nguyên nguyên tắc loại trừ một số lĩnh vực đặc thù như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) được đánh giá là hợp lý, vì các lĩnh vực này không trực tiếp phục vụ mục tiêu kích cầu tiêu dùng.
![]() |
Quốc hội thảo luận về giảm thuế VAT: Đề xuất mở rộng để kích cầu tiêu dùng |
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, việc giảm 2% thuế VAT là chính sách đúng đắn và kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Tuy nhiên, ông cho rằng cần mạnh dạn mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các mặt hàng để tăng hiệu quả kích cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần củng cố nội lực trước những thay đổi về chính sách thương mại quốc tế, nhất là từ phía Hoa Kỳ. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá kỹ tác động ngân sách nhằm đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, việc giảm thuế VAT đã nhiều lần được đưa ra thảo luận tại các kỳ họp trước, song do lo ngại về ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nên các chính sách giảm thuế thường chỉ được áp dụng ngắn hạn trong khoảng sáu tháng. Tuy nhiên, theo ông Ngân, thực tế cho thấy thu ngân sách vẫn tăng trong giai đoạn giảm thuế, minh chứng rằng chính sách này có tác động tích cực đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, đại biểu Ngân nhận định tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần tăng từ 12% trở lên. Vì vậy, việc tiếp tục giảm VAT sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ông đặc biệt nhấn mạnh cần ưu tiên giảm thuế cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tổng hợp từ các ý kiến tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng việc giảm thuế VAT cần được triển khai linh hoạt, với phạm vi áp dụng rộng hơn và thời gian thực hiện đủ dài để phát huy hiệu quả lan tỏa trong nền kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo cân đối ngân sách hợp lý. Đây là cơ sở để Quốc hội tiếp tục hoàn thiện và ban hành chính sách tài khóa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.