Quản lý ICO và những chuyển động pháp lý

18:55 03/04/2022

Bên cạnh một số quốc gia ban hành lệnh cấm hay giữ trạng thái “án binh bất động” thì không ít quốc gia đã tiên phong có những “bước đi” đầu tiên trong việc quản lý, giám sát hoạt động ICO…

Ảnh minh họa

ICO (Initial Coin Offering), tạm dịch là hoạt động chào bán tiền mã hóa để huy động vốn thực hiện các dự án trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) của các công ty khởi nghiệp. Hoạt động này đang ngày càng trở nên phổ biến và dường như đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Cấu trúc của các hoạt động ICO đang diễn tiến theo xu hướng ngày càng trở nên phức tạp hơn và kèm theo đó là không ít rủi ro, tiêu cực và hệ lụy.

Vì vậy, bên cạnh một số quốc gia ban hành lệnh cấm hay giữ trạng thái “án binh bất động” thì không ít quốc gia đã tiên phong có những “bước đi” đầu tiên trong việc quản lý, giám sát hoạt động ICO, tiêu biểu như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore, Mexico,…

Kinh nghiệm của những quốc gia này cung cấp những gợi mở có giá trị cho việc định hình cách tiếp cận của Việt Nam trong thời gian sắp tới đối với ICO nói riêng và các hoạt động liên quan đến công nghệ mới nói chung.

Token và chứng khoán, có phải là một?

Theo cấu trúc thông thường, trong một ICO, công ty phát hành sẽ phát hành ra mã kỹ thuật số (token) để chào bán cho các nhà đầu tư nhằm huy động vốn là các loại tiền mã hóa phổ biến như bitcoin hoặc ethereum, hay thậm chí tiền pháp định. Các token này gắn liền với hệ sinh thái công nghệ được đề cập trong dự án và những quyền lợi của nhà đầu tư sở hữu token sẽ được thể hiện trong sách trắng.

Vì vậy, để xác định đợt phát hành ICO sẽ được quản lý theo cơ chế nào, các nước bắt đầu từ việc xác định bản chất pháp lý của token cũng như các đặc trưng pháp lý của ICO. Mỗi quốc gia sẽ có những tiêu chí xác định khác nhau nhưng nhìn chung đều xem xét liệu token có mang bản chất của một loại chứng khoán hay không. Nếu token là một loại chứng khoán, thì đợt ICO tương ứng phải chịu sự điều chỉnh và quản lý theo khuôn khổ của pháp luật chứng khoán quốc gia.

Vấn đề trọng tâm của hoạt động quản lý và giám sát đối với ICO là cơ chế minh bạch thông tin để đảm bảo các thông tin cung cấp cho nhà đầu tư là đầy đủ và chính xác.

Điển hình như Mỹ – quốc gia phát triển ICO bậc nhất thế giới với luật pháp khá nghiêm khắc. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) nhiều lần tuyên bố rằng token có thể đủ điều kiện là “chứng khoán” và do đó, các ICO cần phải tuân thủ Đạo luật Chứng khoán liên bang và một số đạo luật khác có liên quan của Mỹ. Vào tháng 7-2017, SEC đã phát hành một báo cáo, trong đó họ sử dụng bài kiểm tra Howey(1) nhằm xác định token phát hành bởi hoạt động ICO có phải là chứng khoán hay không.

Thông qua bài kiểm tra Howey, SEC căn cứ vào các yếu tố: (i) Sự đầu tư tiền vào (ii) một doanh nghiệp chung với (iii) kỳ vọng hợp lý về lợi nhuận thu được từ nỗ lực kinh doanh hoặc quản lý của người khác để xác định xem token trong một đợt ICO cụ thể có bản chất của một hợp đồng đầu tư (Investment contract) (một loại chứng khoán) hay không.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã thông qua các hướng dẫn đã tiến hành phân loại token thành ba loại, căn cứ vào các chức năng kinh tế của chúng, bao gồm: (i) token thanh toán, (ii) token tiện ích, (iii) token tài sản. Qua đó, xác định cụ thể token tài sản, token tiện ích có tính chất đầu tư sẽ được xem là chứng khoán. Các nhà phát hành chào bán token là chứng khoán thì phải tuân thủ nghĩa vụ công bố Bản cáo bạch theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Cách phân loại này khác biệt hoàn toàn so với Mỹ, khi mà Thụy Sỹ đưa ra phân loại và định nghĩa cụ thể token nào được xem là chứng khoán, trong khi Mỹ căn cứ vào các công cụ tài chính có sẵn để xem xét bản chất chứng khoán của token.

Việc xác định ICO nào là một đợt chào bán chứng khoán sẽ là cơ sở để quản lý việc huy động vốn từ công chúng của các nhà phát hành thông qua cơ chế đăng ký chào bán và công bố thông tin. Các nhà phát hành phải chuẩn bị Bản cáo bạch với các nội dung buộc phải công bố ra công chúng, các cơ quan quản lý chứng khoán sẽ tiến hành kiểm soát nội dung được công khai ở Bản cáo bạch.

Theo đó, nếu Bản cáo bạch đáp ứng đủ điều kiện về nội dung thì nhà phát hành sẽ phải tiến hành công khai Bản cáo bạch và tiến hành chào bán. Có thể thấy, vấn đề trọng tâm của hoạt động quản lý và giám sát đối với ICO là cơ chế minh bạch thông tin để đảm bảo các thông tin cung cấp cho nhà đầu tư là đầy đủ và chính xác.

Đối với các token không là chứng khoán, các quốc gia thường sẽ xem xét bản chất của token có được xem là tài sản hay không, từ đó sử dụng các quy định chung của pháp luật về thương mại hoặc pháp luật về hợp đồng để điều chỉnh.

Tại Mỹ, các token không là chứng khoán đều được xem là một loại hàng hóa. Theo đó, token vượt qua bài kiểm tra Howey thì đợt chào bán sẽ chịu sự điều chỉnh của Đạo luật Giao dịch hàng hóa (CEA) và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nước này.

Trong khi đó, tại Thụy Sỹ, các token không là chứng khoán sẽ được xem là tài sản. Các đợt chào bán token thanh toán và token tiện ích không có tính chất đầu tư sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hợp đồng. Bên cạnh đó, nhằm chống lại các việc rửa tiền và tội phạm tài chính, Thụy Sỹ còn xem xét một token có thể được xem là một công cụ thanh toán hay không. Token có chức năng như một công cụ thanh toán sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Chống rửa tiền (AMLA). Lúc này, các nhà phát hành token sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ xác minh danh tính khách hàng theo quy định của Đạo luật Chống rửa tiền.

Tham vấn cộng đồng

Bên cạnh việc kiểm soát các điều kiện chào bán, nghĩa vụ đăng ký và việc công bố thông tin của đợt chào bán, một số quốc gia còn sử dụng cơ chế tham vấn cộng đồng, điển hình như Singapore.

Cụ thể, Cơ quan Tiền tệ của Singapore (MAS) ngoài thẩm định nội dung của Bản cáo bạch thì còn tiến hành lấy ý kiến công chúng về dự án ICO, thông qua việc công khai Bản cáo bạch trên trang thông tin của MAS. Danh tính của các chủ thể tham gia đánh giá sẽ được MAS bảo mật, theo đó, tạo môi trường thuận lợi để công chúng tiến hành đánh giá dự án ICO. Việc đánh giá của công chúng dựa trên tiêu chí (i) tính chính xác của thông tin tại Bản cáo bạch; (ii) các thông tin được công khai đã đủ bao quát hết rủi ro chưa; (iii) việc tiến hành dự án có xâm phạm đến lợi ích của công cộng hay không.

MAS sẽ tiến hành xem xét, đánh giá các ý kiến của công chúng để đưa ra quyết định từ chối hay chấp thuận Bản cáo bạch. Đồng thời, MAS cũng sẽ loại bỏ các bình luận ác ý và vô căn cứ đối với dự án, nhằm đảm bảo các ý kiến về dự án thật sự khách quan. Cơ chế này sẽ tạo nên một vòng thẩm định thông tin thứ hai đối với các dự án ICO, giúp cơ quan quản lý chứng khoán có thể dễ dàng tiếp cận được các ý kiến của thị trường (bao gồm nhà đầu tư, các chuyên gia) về dự án, khi mà các dự án ICO đều có tính mới cao đòi hỏi cơ quan quản lý phải có kiến thức chuyên môn và cần cập nhật xu hướng của thị trường.

Khung pháp lý thử nghiệm

Tính mới của hoạt động ICO buộc các nhà lập pháp phải có cái nhìn cẩn trọng trong quá trình điều chỉnh, để vừa tạo một nền tảng pháp lý thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này, vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư. Cũng bởi vì vậy nên đa phần các quốc gia đều có cách tiếp cận mang tính thận trọng. Một trong những minh chứng có thể thấy là xây dựng và áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox).

Regulatory Sandbox được hiểu nôm na là một môi trường pháp lý giả định được sử dụng để thử nghiệm khả năng ứng dụng và hiệu quả của khung pháp lý mới đối với các quan hệ mới phát sinh mà chưa có luật điều chỉnh, đặc biệt là liên quan đến công nghệ mới. Môi trường thử nghiệm này sẽ giới hạn phạm vi đối tượng áp dụng, thời gian và không gian áp dụng để tiến hành thử nghiệm và phải chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, các nhà phát hành token đủ điều kiện tham gia Regulatory Sandbox sẽ là những người tiên phong chịu sự điều chỉnh của các khung pháp lý mới. Sau thời hạn thử nghiệm, khung pháp lý thích hợp sẽ được xem xét trở thành khung pháp lý chính thức để điều chỉnh hoạt động ICO.

Singapore là một ví dụ điển hình trong việc xây dựng và áp dụng Regulatory Sandbox. MAS đã cập nhật Hướng dẫn về Cơ chế thử nghiệm khung pháp lý năm 2016 (cập nhật mới nhất tháng 1-2022), theo đó, ghi nhận việc sử dụng Regulatory Sandbox vào việc điều chỉnh hoạt động ICO.

Trong môi trường thử nghiệm của các dự án ICO, MAS sẽ có những biện pháp để ngăn chặn hậu quả của sự thất bại đối với dự án, duy trì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính, hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư. Đồng thời MAS cung cấp hỗ trợ pháp lý thích hợp bằng cách giảm bớt các yêu cầu pháp lý đối với dự án ICO. Các nhà phát hành có nghĩa vụ báo cáo các hoạt động của mình định kỳ cho MAS. Sau khi các dự án ICO thành công và thoát khỏi môi trường thử nghiệm, các hoạt động của tổ chức phát hành thực hiện theo các quy định pháp lý chính thức.

Lưu Minh Sang, Nguyễn Thị Ngọc Trang, Trần Thị Quỳnh Duyên- trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

Theo thesaigontimes.vn