Phú Thọ: Từng bước xây dựng vững chắc thương hiệu chè Đất Tổ

19:54 24/05/2023

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè Đất Tổ, góp phần đưa cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

Chè tươi được người dân thu hái khi đến độ thu hoạch
Chè tươi được người dân thu hái khi đến độ thu hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000ha chè, trong đó hơn 3.000ha chè được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm; năng suất chè đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm đồng thời đã hình thành chuỗi sản xuất liên kết giá trị thông qua việc hỗ trợ các cơ sở chế biến kinh doanh chè xanh, các HTX, làng nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số, mã vạch và kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

HTX Chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được thành lập từ năm 2018 với 20 hộ trồng chè với diện tích 37ha, trong đó có 12ha được chứng nhận VietGAP với doanh thu trên một tỷ đồng/năm. Bà Phạm Thị Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chè an toàn xã Long Cốc chia sẻ: Chúng tôi có hệ thống sản xuất chè đảm bảo công suất tuy nhiên việc lựa chọn chè đầu vào phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên đôi khi nguyên liệu thiếu rất nhiều. Đồng thời, vận động người dân tham gia vào HTX, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo thương hiệu chè để không có những trường hợp “đạo nhái” chè, “đạo nhái” thương hiệu làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ.

Mặc dù năng suất, chất lượng chè trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên, giá trị đem lại từ cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; nhiều hộ trồng chè còn mang nặng tập quán, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, khoảng 60% cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu hoặc có nhưng không đủ sản xuất; nhiều cơ sở chế biến với thiết bị, công nghệ lạc hậu, dây chuyền thiếu đồng bộ.

HTX chè Long cốc, huyện Tân Sơn
HTX chè an toàn xã Long cốc, huyện Tân Sơn.

Mặt khác, một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ chè là phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị; quy hoạch ổn định vùng chè an toàn ở các vùng chè trọng điểm; xây dựng quy chế quản lý gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, từ đó mới tăng giá trị, hiệu quả cây chè.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê chia sẻ: “HTX đã xây dựng hệ thống quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể và ban hành quy trình kỹ thuật nội bộ về canh tác, chăm sóc, chế biến sản phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhãn hiệu tập thể. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 6 tấn chè xanh chất lượng cao, đưa sản phẩm tiếp cận rộng hơn tới thị trường trong và ngoài nước”.

Để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có 100% sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ ba sao trở lên. Đồng thời, 100% sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ có truy xuất nguồn gốc, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy chế quản lý của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

P.V