Phú Thọ: Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng bền vững

16:46 13/03/2023

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn đã được các địa phương, hợp tác xã, người sản xuất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ quan tâm đầu tư thực hiện, bởi những giá trị về kinh tế, sức khỏe, và tính bền vững.

Trang trại Sông Lô xanh (xã Sông Lô, thành phố Việt Trì) canh tác các nông sản an toàn cung cấp cho thị trường
Trang trại Sông Lô xanh (xã Sông Lô, thành phố Việt Trì) canh tác các nông sản an toàn cung cấp cho thị trường.

Tập trung đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững đã và đang được người dân, doanh nghiệp áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Điển hình như mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Quạ đen theo hướng hữu cơ được huyện Thanh Sơn thử nghiệm trên diện tích 3ha trong vụ mùa năm 2020 tại xã Thắng Sơn. Nhận thấy đây là giống lúa nếp đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên vụ mùa năm 2022, xã Thắng Sơn tiếp tục nhân rộng lên 50ha năng suất đạt 44,3 tạ/ha.

Cũng tại huyện Tam Nông hiện có 36 hộ chăn nuôi gà thả đồi, quy mô tập trung theo mô hình trang trại, gia trại với diện tích từ 3-5ha/hộ, tập trung ở các xã: Lam Sơn, Vạn Xuân, Tề Lễ... Trung bình mỗi hộ nuôi từ 4.000 - 8.000 con/lứa, doanh thu từ 2,6-2,8 tỉ đồng/hộ/năm. Có hộ đầu tư nuôi đến 15.000 con/lứa, mang lại lợi nhuận vượt trội. Các hộ chăn nuôi này đều là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 3,67 nghìn ha chè được cấp chứng nhận an toàn (RA, VietGAP), trên 2,1 nghìn ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn (trong đó có 288ha đạt chứng nhận VietGAP); ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý cây trồng tổng hợp ICM đối với các cây trồng chính đạt 78%; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.

Khai thác thủy sản tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê
Khai thác thủy sản tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê.

Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao... Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, hàng hóa cho một số hợp tác xã.

Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, tích cực góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Phú Thọ. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... được triển khai áp dụng ngày càng nhiều.

Ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục bám sát Kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp thủy sản giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh để tham mưu chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản, đăc trưng, có lợi thế của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa; liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững là xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc xây dựng lộ trình cần đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

PV