Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với 8 tỉnh, thành thúc đẩy giải ngân đầu tư công

21:15 16/05/2022

Chiều 16/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 8 tỉnh, thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. (Ảnh VGP/Trần Mạnh)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 8 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu, thì Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 là 39.760 tỷ đồng (đến nay đã phân bổ chi tiết đạt 85,67%).

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 9.942 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết đạt 100%); vốn ODA là 3.195 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết đạt 78,44%); tổng vốn ngân sách địa phương là 26.622 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng vốn ngân sách Nhà nước của 8 địa phương nêu trên đã giải ngân đến ngày 30/4 chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 15,08%, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,6%.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn ODA đã giải ngân đạt 0,9% thấp hơn bình quân chung cả nước là 4,1%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ; vốn ngân sách địa phương giải ngân được 16,7%, cao hơn bình quân chung cả nước là 15,68%, cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục thực hiện một số công việc mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm, việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ…

Bộ KH&ĐT đề nghị Ban Quản lý, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng công trình, tổ chức giao ban hằng tháng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án. Chịu trách nhiệm trước UBND về việc giải ngân không bảo đảm tiến độ đề ra. Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành,…

UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá cán bộ; thường  xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc không để chậm những việc thuộc thẩm quyền; thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư công trên từng địa bàn cụ thể.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo, đề xuất của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư công; giải ngân vốn ODA; quản lý giá vật liệu xây dựng; phân cấp cho UBND tỉnh thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương cần sớm tháo gỡ những khó khăn liên quan đến các dự án đầu tư, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và cam kết của các địa phương.

Theo phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hiện nay việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước của 8 địa phương vẫn còn chậm, chưa đạt mức bình quân của cả nước. Vì vậy, cần tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân

Để giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện, thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án nhằm nắm bắt tình hình thực hiện dự án, rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời có hướng xử lý, giải quyết .

Bên cạnh đó, một số địa phương còn thành lập các Tổ công tác chuyên đề, Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư, tạo động lực nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các địa phương quan tâm, quyết liệt trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện để từ nay đến cuối năm giải ngân đạt 100%.

PV