Điều này đã được Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025 diễn ra sáng nay, ngày 08/5/2025.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cũng đã công bố một số những tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế của thành phố.
![]() |
Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tại phiên họp. |
Điểm sáng nổi bật là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, ước tăng 6,6% so với tháng 3/2025 và 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Lĩnh vực du lịch cũng có những khởi sắc đáng chú ý với tổng thu ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ USD. Mặc dù ghi nhận sự sụt giảm so với tháng trước (giảm 7,5%), lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt trên 16 tỷ USD, tăng 9,07%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 giảm 5,4% so với tháng trước.
Về thu ngân sách, thành phố đã thực hiện được 39% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 12,8% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Một thành tựu đáng ghi nhận khác là TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu cải tạo 100% nhà tạm, nhà dột nát.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm được bà Lê Thị Huỳnh Mai chỉ ra là tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Tính đến ngày 29/4/2025, thành phố mới chỉ giải ngân được 6.068 tỷ đồng, đạt 7,2% so với kế hoạch được giao là 85.500 tỷ đồng (mục tiêu giải ngân 95%, phấn đấu 100%).
Để đẩy nhanh tiến độ này, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp như tổ chức các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm và ban hành 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến đầu tư công. Sở Tài chính cũng tích cực làm việc với các Ban quản lý dự án, quận huyện, chủ đầu tư để xác định và báo cáo UBND TP. HCM xử lý các khó khăn, đặc biệt tập trung vào các dự án lớn như nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường trục Bắc Nam, quốc lộ 13 (tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng). Trong năm 2025, các dự án trọng điểm được ưu tiên giải ngân bao gồm cao tốc TP. HCM - Mộc Bài (dự kiến giải ngân 4.000 tỷ đồng trong tháng 6), cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỷ đồng), cầu đường Bình Tiên (871 tỷ đồng).
![]() |
Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027. Tuyến dài gần 51 km, điểm đầu giao Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP. HCM; điểm cuối nối quốc lộ 22, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Hiện nay xe từ TP .HCM đi Tây Ninh chủ yếu qua quốc lộ 22 - tuyến đường đang quá tải trầm trọng, thường xuyên ùn tắc. |
Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Sở Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, biến động thị trường tài chính, giá vàng và sự sụt giảm đáng kể về số lượng doanh nghiệp mới thành lập (giảm 24,6%) và vốn đăng ký (giảm 52,3%).
Trước tình hình này, bà Mai kiến nghị các sở, ngành cần thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công, một yêu cầu đã được thành phố đặt ra từ năm 2024 nhưng chưa được thực hiện hiệu quả.
Trong tháng 5/2025, TP. Hồ Chí Minh xác định các nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh sắp xếp bộ máy hành chính 2 cấp, cải cách thủ tục, thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư, phát triển hạ tầng (đặc biệt là giao thông và nhà ở xã hội), phát triển khoa học công nghệ, cải thiện môi trường sống, đảm bảo quốc phòng – an ninh, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai hiệu quả các chính sách an sinh, giáo dục và đào tạo.
Thành phố đặt ưu tiên cao vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách chủ động, linh hoạt và kịp thời ứng phó với các vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 8,5%, thậm chí nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Đối với công tác sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và chính quyền địa phương 2 cấp, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị, rà soát nguồn cán bộ để xây dựng phương án nhân sự cho các xã, phường sau sắp xếp. Thành phố cũng đã phối hợp ban hành, trình Chính phủ Đề án số 3021/ĐA-UBND về sắp xếp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.