Vì thế, việc nhận diện kịp thời và phê phán có cơ sở khoa học, chỉ rõ mục đích chính trị phản động của các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là việc làm cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Không ngộ nhận, thờ ơ trước những quan điểm sai trái, phản động
Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch, phản động cấu kết với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đưa ra đủ thứ quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Luận điệu chúng thường rêu rao là “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm lịch sử”, là ‘ảo tưởng”, là “thiên đường bánh vẽ”. Chúng cho rằng, nếu lấy mốc thời gian tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời thì đến nay, đã gần 200 năm mà CNXH không trở thành hiện thực, bị sụp đổ ngay ở nước Nga-quê hương của V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười. Một khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu không còn tồn tại thì ở Việt Nam cũng sẽ bị sụp đổ.
Một câu hỏi chúng tự đặt ra: “Việt Nam quá độ đi đâu?”, rồi lại tự lèo lái dư luận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; đi lên CNXH phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, chặng đường, có sự đấu tranh giữa “cái cũ và cái mới”, thế nên Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không bao giờ vượt qua được các chặng đường quá độ gian khổ đó và không thể đi đến cái đích của CNXH .
Sau khi Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, đó chỉ là một thứ “mị dân”. Theo lập luận của chúng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có vai trò lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, không đủ khả năng lãnh đạo trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), vì “những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới là do các nước tư bản đầu tư vào, chứ không phải do năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Dưới chiêu trò “bình mới rượu cũ”, các luận điệu nêu trên chủ yếu dựa vào một số lý thuyết chống cộng, chủ nghĩa duy vật máy móc, lý thuyết “hội tụ”, lý thuyết “xã hội hậu công nghiệp”, lý thuyết các nền văn minh... nhằm biện minh cho sự tồn tại của chế độ TBCN, phủ nhận tính khách quan của thời kỳ quá độ đi lên CNXH trong thời đại ngày nay. Không dừng lại ở đó, một số luận điệu còn tinh vi đánh tráo khái niệm, lấy hiện tượng để đánh đồng với bản chất, triệt để lợi dụng sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu (trước đây) để lớn tiếng tuyên truyền “CNXH chỉ là ảo tưởng”; trong khi lại cố tình khuếch trương, thổi phồng những thành quả của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại, mà không thấy rõ bản chất bóc lột tinh vi của giai cấp tư sản và những bất công chưa thể giải quyết tận gốc trong lòng xã hội tư bản hiện nay.
Mục đích chính trị phản động của các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nhằm gây hoang mang, mất niềm tin, ru ngủ tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân; sâu xa hơn, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận khả năng thắng lợi của con đường quá độ bỏ qua chế độ TBCN đi lên CNXH ở Việt Nam, từng bước chuyển hóa Việt Nam theo quỹ đạo của CNTB.
Việt Nam đi theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử
Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã khẳng định một chân lý: Đi theo con đường cách mạng XHCN và đi lên CNXH là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, phù hợp với khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận giải khoa học về sự thay thế của những hình thái KT-XH từ thấp đến cao là quá trình lịch sử-tự nhiên, là do vận động của những quy luật KT-XH khách quan. Với quan điểm duy vật biện chứng khoa học, các nhà kinh điển Mác-xít đã chỉ ra hình thái KT-XH cộng sản chủ nghĩa tất yếu ra đời và thay thế hình thái KT-XH TBCN. Nó phải trải qua “một thời kỳ và hai giai đoạn”, đó là thời kỳ quá độ, giai đoạn đầu là CNXH, giai đoạn cao là cộng sản chủ nghĩa. Hình thái KT-XH cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển cao hơn và khác về chất so với hình thái KT-XH TBCN nên phải trải qua quá trình cải biến cách mạng lâu dài; không bao giờ tự phát hình thành mà thông qua vận động của các quy luật về KT-XH, con đường đấu tranh cách mạng để xóa bỏ áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản và xây dựng xã hội mới. Hệ thống lý luận cơ bản đó của Chủ nghĩa Mác-Lênin là cách mạng, khoa học, được vận dụng thành công ở nước Nga từ năm 1917. CNXH từ lý luận trở thành hiện thực, từ một nước phát triển thành hệ thống chính trị thế giới đối lập với hệ thống TBCN trong hơn 7 thập niên.
Về thực tiễn, CNXH hiện thực ra đời đã thể hiện tính ưu việt hơn CNTB. Công cuộc xây dựng CNXH ở nước Nga, sau đó là Liên Xô có thời gian chưa dài, nhưng đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới; sản lượng điện đạt 440 tỷ kWh (gấp hơn 300 lần so với năm 1913; bằng 4 nước lớn là Anh, Pháp, Đức, Italy cộng lại); dầu mỏ đạt 353 triệu tấn, than 624 triệu tấn, thép 121 triệu tấn (vượt sản lượng của Mỹ). Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, CNXH ra đời ở Liên Xô và nhiều nước XHCN tuy chưa hoàn thiện nhưng đã phát triển lớn mạnh về nhiều mặt, khác hẳn về chất so với CNTB.
Điều đó cho thấy, CNXH là một hiện thực, hoàn toàn không phải là “giấc mơ”, cũng chẳng phải là “ảo tưởng về một thiên đường” như các thế lực thù địch rêu rao! Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu (trước đây) chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chứ không phải do Chủ nghĩa Mác-Lênin hay lý tưởng về CNXH đã lỗi thời, lạc hậu.
Mặc dù CNTB đạt được những thành tựu to lớn nhưng chủ yếu đem lại lợi ích cho giai cấp tư sản mà không vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Những mâu thuẫn nội tại và đối kháng trong xã hội TBCN chỉ giải quyết bằng con đường tất yếu là cách mạng XHCN. Trong bối cảnh hiện nay, CNTB đã có những thích nghi, phát triển nhất định nhờ tận dụng được những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Các nước XHCN đang ở giai đoạn khó khăn tạm thời, song theo quy luật phát triển khách quan của lịch sử, CNTB sẽ bị xóa bỏ, chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là CNXH ưu việt hơn sẽ ra đời, tồn tại và phát triển.
Đối với cách mạng Việt Nam, những năm nửa đầu thế kỷ 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có 30 năm bôn ba ở nước ngoài, đến các nước tư bản phát triển, đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược và đô hộ của chủ nghĩa thực dân và phong kiến. Người khẳng định, muốn giành lại được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ XHCN. Từ năm 1930, “Chánh cương vắn tắt” của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua đã xác định rõ đường lối của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Năm 1991, Đảng đã ban hành “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”, trong đó chỉ ra 6 đặc trưng cơ bản của chế độ XHCN ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã phát triển sáng tạo thành 8 đặc trưng của CNXH ở Việt Nam, trong đó đặc trưng bao trùm là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hơn 90 năm được rèn giũa, tôi luyện, thử thách trong thực tiễn cách mạng sôi động, phong phú, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị, có trí tuệ, có khả năng lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc lớn trong thế kỷ 20, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu (trước đây) bị khủng hoảng, sụp đổ thì Đảng ta vẫn kiên định con đường đi lên CNXH, kiên trì đường lối đổi mới, giữ vững nguyên tắc “đổi mới nhưng không đổi màu”. Trải qua gần 40 năm tiến hành đổi mới, Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta đã đạt được thành tựu rất to lớn, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đánh giá khái quát: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay... Tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(1).
Trong những chặng đường tới, Đảng ta đã có dự báo khoa học về 4 nguy cơ, những thách thức không nhỏ từ bên ngoài và ở trong nước đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với phương châm vượt qua thách thức, tận dụng những cơ hội, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để thúc đẩy công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn, Đảng ta đặt ra mốc: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN”(2) là hoàn toàn có cơ sở khoa học đúng đắn và có tính khả thi.
Với trí tuệ, khả năng và kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng, được sự ủng hộ của nhân dân thì việc kiên định lựa chọn con đường đi lên CNXH cũng không ngoài mục đích nhân văn cao đẹp là tiếp nối truyền thống, xứng đáng với các thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đồng thời đáp ứng lòng mong đợi và phù hợp với khát vọng, mong muốn của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Theo Tuyên Giáo