Các cuộc thảo luận tại diễn đàn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên internet kết nối vạn vật, chuyển hoá thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ tới kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn thế giới và tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch sử.
Phó thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ ngày càng cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
“Trong năm 2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đầu tiên của Việt Nam dự kiến tại Khu công nghệ Láng - Hòa Lạc”, Phó thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập vấn đề doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn kinh tế số.
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính, sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động và sử dụng ICT, tức viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nền kinh tế.
Theo ông Hùng, nói đơn giản, kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Đây là quá trình tiến hóa lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia, ở nhiều mức độ khác nhau mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc của mình. “Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng là kinh tế số. Dùng văn bản điện tử thay thế cho giấy tờ là số hóa nền kinh tế”, ông nói.
Vậy ai sẽ làm những việc này? Câu trả lời là những doanh nghiệp công nghệ số. Bởi vậy, theo ông cần phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. “Chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Công nghệ số cũng sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ”, ông nói.
Ví dụ, Uber đang thách thức taxi truyền thống, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống.
Vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh, vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận những mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.