Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Những chính sách như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế, và các gói vay ưu đãi đã giúp tạo ra cơ hội sở hữu nhà ở cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, đặc biệt là đối với những người dân có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn.
Một trong những vấn đề nhức nhối gần đây chính là thảm họa tại các chung cư mini, đặt ra nhiều thách thức cho việc quản lý và xây dựng nhà ở an toàn cho người dân. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Không chỉ cần đảm bảo an ninh, chất lượng cuộc sống mà còn phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận các khoản vay hỗ trợ, như đã được kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội và Chính phủ.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành hơn 1 triệu căn hộ, mang lại hy vọng cho hàng triệu người lao động. Các chương trình tín dụng hỗ trợ đã được triển khai để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các căn hộ xã hội.
Đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. |
Tuy nhiên, còn một nhóm đối tượng lớn chưa được hưởng lợi từ các chính sách này chính là người nông dân. Dù chiếm hơn 60% dân số cả nước, người nông dân vẫn chưa có chính sách nhà ở riêng. Nhiều hộ gia đình tại nông thôn lo lắng về việc làm sao để con cháu có thể xây dựng nhà ở trên mảnh đất của gia đình khi giá đất liên tục tăng và chi phí chuyển mục đích sử dụng đất cao ngất ngưởng. Khiến cho nhiều gia đình phải chật vật trong việc tạo dựng nơi ở cho con cháu khi lập gia đình riêng.
Để giải quyết vấn đề trên, cần phải xem xét một chính sách nhà ở xã hội dành riêng cho người nông dân. Chính sách có thể bao gồm việc miễn tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với những hộ gia đình chưa được giao đất làm nhà. Đồng thời, diện tích được miễn phải tuân theo định mức quy định tại từng địa phương, và các điều kiện về chuyển nhượng cũng cần tương tự như đối với nhà ở xã hội hiện nay.
Không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân nông thôn, mà còn đảm bảo quyền sở hữu đất đai công bằng hơn, phù hợp với bản chất sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện. Qua đó, giúp tránh những tác động tiêu cực của việc tăng giá đất đối với cuộc sống của người dân nông thôn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của họ trong quá trình giải phóng mặt bằng và tái định cư nếu có.
Với những bước tiến về chính sách nhà ở xã hội hiện tại, việc mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng lợi, bao gồm cả người nông dân, là điều cần thiết để đảm bảo mọi tầng lớp trong xã hội đều có quyền tiếp cận với nơi ở ổn định, bền vững.