Lợi nhuận nhà ở xã hội đang là vấn đề được quan tâm trong ngành bất động sản. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã đưa ra một số quan điểm và đề xuất quan trọng về vấn đề này tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn diễn ra vào ngày 21/9.
Tại Khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nếu không sử dụng vốn đầu tư công, thì được hưởng lợi nhuận tối đa 10% trên tổng chi phí đầu tư đối với phần diện tích xây dựng. Cụ thể bao gồm các chi phí sau: công trình nhà ở xã hội, công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có) trong dự án, lãi vay (nếu có) và các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp được phân bổ cho phần nhà ở xã hội.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng bày tỏ quan ngại rằng, mức lợi nhuận 10% khiến các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Ông cho biết, nếu dự án bị chậm tiến độ bán hàng từ 1-2 năm, vốn sẽ bị tồn đọng và nguy cơ thua lỗ rất cao. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh, các dự án nhà ở xã hội chủ yếu mang tính chất đóng góp xã hội, không phải là hoạt động kinh doanh thuần túy, nên đòi hỏi một cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn.
Đây có lẽ cũng là trăn trở của nhiều chủ đầu tư bất động sản. Mặc dù nhà ở xã hội không phải là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận hấp dẫn, nhưng lại mang giá trị xã hội sâu sắc, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời giúp ổn định xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu vượt cung như hiện nay, nếu Luật không có những cơ chế linh hoạt hơn, việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến khả năng triển khai các dự án, từ đó làm chậm quá trình giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup phát biểu tại Hội nghị. |
Ngoài mức lợi nhuận, các quy định liên quan đến quy trình và thủ tục pháp lý cũng làm gia tăng gánh nặng cho các chủ đầu tư. Quy trình xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay được đánh giá là phức tạp và tốn nhiều thời gian. Thêm vào đó, chủ đầu tư chỉ được sử dụng tối đa 20% tổng diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại; phải dành ít nhất 20% diện tích để cho thuê và chỉ được phép bán sau 5 năm kể từ khi đưa vào sử dụng. Mặc dù những quy định này nhằm ngăn chặn đầu cơ và đảm bảo tính công bằng, phục vụ đúng đối tượng nhưng cũng làm giảm sức hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã đưa ra nhiều kiến nghị với mục tiêu giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào các dự án nhà ở xã hội. Một trong những đề xuất quan trọng là cho phép thực hiện đồng thời các loại quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu vực. Điều này, theo ông, sẽ giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị từ 6-9 tháng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai dự án.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị nâng cao tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, bao gồm việc bắt buộc phải có hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích khác. Những tiêu chuẩn này không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của cư dân mà còn giúp nâng cao chất lượng sống trong các khu nhà ở xã hội, thu hút sự quan tâm của người mua nhà.