Đòn bẩy tài chính giúp nhà bán hàng bứt phá trên sàn thương mại điện tử Hoàn thiện hệ thống khấu trừ và nộp thuế thay trên sàn thương mại điện tử |
4 dự án Luật được đề xuất bổ sung gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) nhằm đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp thứ 47 tới.
![]() |
Dự án Luật Thương mại điện tử được đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025. Ảnh minh họa |
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về tiết kiệm, chống lãng phí rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác tiết kiệm, chống lãng phí, thực sự tham gia có trách nhiệm vào công tác này.
Chính phủ dự kiến phạm vi điều chỉnh của Luật Tiết kiệm, chống lãng phí bao quát đầy đủ các lĩnh vực cần phòng, chống lãng phí, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật có liên quan (pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất xây dựng Luật An ninh mạng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hai luật hiện hành, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ không gian mạng…
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng.
Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử ; đặc biệt là 4 Nghị quyết trụ cột mới được ban hành…
Về phạm vi điều chỉnh, chính sách của Luật Thương mại điện tử quy định về việc phát triển, quản lý hoạt động Thương mại điện tử và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động Thương mại điện tử tại Việt Nam.
Liên quan đến Luật Giám định tư pháp (thay thế), theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật này nhằm: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan…
Thảo luận về nội dung này, các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Trong đó, về dự án Luật Thương mại điện tử, các ý kiến cho rằng, thương mại điện tử có bản chất xuyên biên giới, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước thông qua các hình thức hoạt động đa dạng như đầu tư, xuất nhập khẩu… Do đó, quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Liên quan đến quy định về dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và trách nhiệm của các chủ thể liên quan (chính sách 4), đề nghị nghiên cứu, xây dựng theo hướng chỉ đưa ra các quy định mang tính chất nguyên tắc chung, yêu cầu đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, quy định rõ phạm vi trách nhiệm của chủ thể, phạm vi trách nhiệm liên đới của chủ thể trong trường hợp có tranh chấp phát sinh.