Bài liên quan |
Đại hội Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai lần thứ I |
Đồng Nai công bố 45 điểm cấp căn cước, 95 số điện thoại trưởng công an phường xã mới |
Tầm vóc mới, kỳ vọng lớn
Với diện tích tự nhiên lên đến 12.740 km² – xếp thứ 9 cả nước, dân số hơn 4,49 triệu người – đứng sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang và Hải Phòng, và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 609.200 tỷ đồng, Đồng Nai sau sáp nhập đã mang tầm vóc của một "siêu tỉnh" công nghiệp cả về quy mô lẫn năng lực sản xuất.
Không chỉ mở rộng địa giới hành chính, sự hợp nhất còn tạo ra một vùng công nghiệp liên hoàn, kết nối các chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – logistics với tốc độ phát triển cao, quy mô lớn. Đây là nền tảng vững chắc để Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ và vươn tầm quốc gia.
![]() |
Đồng Nai có hơn 40 khu công nghiệp đang hoạt động cùng hàng chục nghìn ha đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp – đô thị |
Một trong những điểm nổi bật trong cơ cấu kinh tế Đồng Nai mới là sự hiện diện dày đặc của các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn có vốn nhà nước chi phối. Trong đó, nổi bật là hệ thống doanh nghiệp cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai hiện quản lý hơn 30.000 ha cao su, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên và sơ chế cho cả nước. Sau sáp nhập, các công ty mạnh từ Bình Phước như Cao su Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh và Sông Bé – với tổng diện tích trên 45.000 ha – cũng đã được quy hoạch về Đồng Nai, tạo thành cụm ngành cao su có quy mô hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico), với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, hiện đang đầu tư mạnh vào chuỗi nông nghiệp – thực phẩm – bất động sản – xây dựng, đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực vùng Đông Nam Bộ.
Các doanh nghiệp hạ tầng kỹ thuật như DOWACO (nước sạch) và Công ty cấp thoát nước Bình Phước được giao nhiệm vụ đảm bảo cấp nước – xử lý môi trường toàn tỉnh. Đặc biệt, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex – Bình Phước, chủ đầu tư khu công nghiệp 2.448 ha, nay cũng thuộc về hệ sinh thái công nghiệp Đồng Nai, góp phần mở rộng năng lực thu hút đầu tư FDI và tư nhân.
![]() |
Đồng Nai sau sáp nhập: Hình hài “siêu tỉnh” công nghiệp phía Nam |
Không chỉ có khu vực nhà nước, Đồng Nai còn là nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn. Tổng công ty Tín Nghĩa – từng là doanh nghiệp nhà nước – sau cổ phần hóa đã phát triển đa ngành: từ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics, xăng dầu đến bất động sản.
Trong lĩnh vực đô thị, Công ty TNHH Thành phố Aqua là đơn vị triển khai đại dự án Aqua City 1.000 ha, một trong những khu đô thị vệ tinh chiến lược phía Đông TP.HCM.
Về thực phẩm, Vinacafé Biên Hòa là thương hiệu cà phê hoà tan nổi tiếng toàn quốc với sản lượng xuất khẩu ổn định, còn trong ngành may mặc, Tổng công ty May Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu dệt may, với trụ sở tại KCN Biên Hòa 1.
Cùng với đó, hàng loạt tập đoàn FDI quốc tế đang hoạt động mạnh mẽ tại Đồng Nai. Nổi bật là Công ty TNHH Việt Nam Suzuki (Nhật Bản) – một trong những nhà máy ôtô – xe máy đầu tiên tại miền Nam, với lịch sử gần 30 năm và hàng nghìn việc làm được tạo ra.
Ngành chế biến gỗ và nội thất cũng ghi dấu với sự hiện diện của các "đại gia" như Wanek Furniture, Jason Furniture – những nhà xuất khẩu tỷ USD mỗi năm. Trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, Tập đoàn C.P. Việt Nam (Thái Lan) đang vận hành nhiều trang trại, nhà máy chế biến quy mô lớn tại Đồng Nai và Bình Phước, trong đó nổi bật là nhà máy CPV Food 250 triệu USD với sản phẩm gà xuất khẩu sang hàng chục thị trường.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có hơn 40 khu công nghiệp đang hoạt động cùng hàng chục nghìn ha đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp – đô thị. Sự quy tụ đồng thời của các tập đoàn nhà nước, tư nhân và FDI không chỉ tạo đà phát triển kinh tế, mà còn làm thay đổi diện mạo vùng đất phía Đông Nam Bộ.
Việc trở thành một “siêu tỉnh” công nghiệp giúp Đồng Nai có nền tảng để định hình vai trò trung tâm sản xuất, logistics của miền Nam. Trong dài hạn, Đồng Nai được kỳ vọng sẽ cùng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ gánh nặng hạ tầng, góp phần tái cơ cấu không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một cách hợp lý, bền vững và hiệu quả.