Theo định hướng, Thanh Hóa đang đẩy mạnh ba dòng sản phẩm chính: du lịch biển; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; và du lịch sinh thái cộng đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng thời tăng cường liên kết phát triển sản phẩm, nâng cao nhận thức người dân tại các địa phương có tiềm năng du lịch ngày càng, tích cực tham gia, góp phần tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành.
Năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt 64 nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa năm 2025 với tổng kinh phí đã phân bổ là 81.996 triệu đồng, bao gồm: 26 nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch (55,869 tỷ đồng), 28 nhiệm vụ quảng bá du lịch (15,077 tỷ đồng), 04 nhiệm vụ xúc tiến du lịch (7,500 tỷ đồng), 06 nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch (3,550 tỷ đồng). Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị được giao chủ trì đã và đang chủ động triển khai thực hiện, 6 tháng đầu năm đã có 12 nhiệm vụ đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành (đạt 42,2%), các nhiệm vụ khác đang tiếp tục triển khai.
![]() |
Quảng trường biển Sầm Sơn với màn trình diễn nhạc nước nghệ thuật |
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có tới 57 quy hoạch phát triển du lịch, trong đó 49 quy hoạch đã được phê duyệt. Toàn tỉnh Thanh Hoá đang có 76 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 152 nghìn tỷ đồng, bao gồm 18 dự án đã hoàn thành và 58 dự án đang triển khai.
Cùng với đó, Thanh Hóa tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, nổi bật là Hội nghị xúc tiến du lịch “Một hành trình, nhiều trải nghiệm” cùng Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh – sự kiện bên lề Hội chợ VITM Hà Nội 2025; đón đoàn famtrip Đài Loan và tổ chức hội nghị xúc tiến thị trường khách du lịch Đài Loan đến Thanh Hóa.
Phát triển sản phẩm du lịch được UBND tỉnh đặt ra là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Thanh Hóa hấp dẫn, thân thiện; đồng thời tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc đảm bảo các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch biển Hải Tiến, Sầm Sơn, Quảng Xương, Hải Hoà.
Các địa phương có du lịch biển tiếp tục tích cực, chủ động siết chặt trật tự, kỷ cương, tăng cường quản lý các dịch vụ du lịch; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, sản phẩm du lịch mới ấn tượng được tổ chức thành công nhằm thu hút du khách, tạo điểm nhấn nổi bật, hấp dẫn nhiều đối tượng khách, giúp du khách có những trải nghiệm mới; đem lại cú hích mạnh mẽ cho du lịch Thanh Hóa nói chung và du lịch biển nói riêng.
![]() |
Biển Hải Tiến- Một điểm nhấn du lịch biển Thanh Hóa |
Tiếp tục đầu tư tu bổ di tích tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, góp phần nâng cao giá trị di tích và điểm đến hấp dẫn về văn hoá, lịch sử; nhiều sự kiện văn hoá, lễ hội tiêu biểu được tổ chức nhằm quảng bá giá trị di tích lịch sử văn hoá, từ đó làm phong phú và nâng tầm sản phẩm du lịch di tích văn hoá, tâm linh.
Từ chỗ phụ thuộc vào du lịch biển theo mùa, Thanh Hóa đang từng bước chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm du lịch xanh, giúp kéo dài mùa vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng giá trị...Các mô hình này không chỉ cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch mà còn tạo ra không gian trải nghiệm, học tập và giải trí đa dạng cho du khách, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch nông thôn, ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Các hoạt động leo núi, cắm trại, tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên tại Vườn quốc gia Bến En, Xuân Liên; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, rừng phòng hộ Lang Chánh; các trò chơi dân gian; trình diễn trang phục dân tộc, cùng với lễ hội của đồng bào các dân tộc; các sự kiện văn hoá, thể thao: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao đồng bào các dân tộc thiểu số các huyện miền núi; chương trình trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm treckking tour và giải thể thao Marathon băng rừng…. tiếp tục được du khách đón nhận và đánh giá cao; góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Hóa. Từ chỗ phụ thuộc vào du lịch biển theo mùa, Thanh Hóa đang từng bước chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm du lịch xanh, giúp kéo dài mùa vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng giá trị...
![]() |
Du lịch xanh giúp Thanh Hóa gia tăng giá trị du lịch |
Công tác phát triển sản phẩm OCOP phục vụ mua sắm và quà lưu niệm cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến nay, Thanh Hóa đã có 637 sản phẩm OCOP đạt chuẩn, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao và hơn 60 sản phẩm 4 sao, được bày bán tại khoảng 16 điểm cửa hàng chuyên trưng bày các đặc sản vùng miền và sản phẩm thủ công truyền thống, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách.
Hiện Thanh Hóa có 123 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Nhiều làng nghề tiêu biểu như bánh gai Tứ Trụ, bánh đa Tân Châu, miến gạo Phú Xuân, nón lá Ngọc Thơm, chè lam Phủ Quảng… đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trong du lịch văn hóa của xứ Thanh. Ngoài ra, các mô hình nông trại kết hợp du lịch trải nghiệm cũng phát triển mạnh mẽ với những địa chỉ nổi bật như Trang trại Tfarm, Ông Hướng Farm Stay, Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa), Nông trại Golden Cow (Thường Xuân), Nông trại Ánh Dương, Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)…
![]() |
đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trong du lịch văn hóa của xứ Thanh |
Mục tiêu đặt ra trong năm 2025 là Thanh Hóa sẽ đón 16 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 45.500 tỷ đồng. Với mục tiêu đó, Thanh Hóa dự kiến tổ chức hơn 150 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó có 89 sự kiện văn hóa, 25 sự kiện thể thao và 36 sự kiện du lịch. Đây là một trong những giải pháp nhằm kích cầu, thu hút du khách trong và ngoài nước, tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các tỉnh, thành khác cũng như quốc tế.
Thời gian qua, Thanh Hóa đang triển khai 19 dự án hạ tầng du lịch với tổng mức đầu tư hơn 1.222 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 70 dự án hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó có 48 dự án đã hoàn thành và 22 dự án đang triển khai. Việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông liên kết vùng, đã và đang giúp kết nối các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, mở rộng không gian du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong giai đoạn cuối năm 2025, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục hướng tới các công tác quan trọng như: Đầu tư kinh doanh, hạ tầng du lịch, nhiều sản phẩm mới được đưa vào khai thác, đặc biệt là du lịch cộng đồng miền núi, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các khu du lịch biển trọng điểm. Các sự kiện, hoạt động văn hóa - du lịch được tổ chức phong phú, sôi động. Tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Đồng thời, Thanh Hóa cũng đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho hạ tầng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy hợp tác công – tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh điểm đến du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.