Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV |
Chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể liên quan đến Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình và làm rõ các vấn đề liên quan đến tín dụng cho bất động sản và nhà ở xã hội.
Thống đốc NHNN cho biết, thị trường bất động sản yêu cầu nguồn vốn lớn và có thời hạn dài, do đó cần huy động từ nhiều kênh, trong đó vốn ngân hàng chỉ là một phần. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) tự quyết định về cấp tín dụng dựa trên thỏa thuận với khách hàng về mức vay, thời hạn và lãi suất. Ngoài mục tiêu kinh doanh, các TCTD cũng phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn và đảm bảo khả năng thu hồi vốn để duy trì thanh khoản, nhằm bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.
Dù có những dự án khả thi, một số ngân hàng vẫn từ chối cho vay nếu thời hạn vay không phù hợp với khả năng vốn hoặc nếu họ có các ưu tiên an toàn khác. Bà Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rõ, tín dụng bất động sản đã tăng nhanh trong thời gian qua, với tổng dư nợ hiện đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Liên quan đến khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng cuối năm 2022, Thống đốc giải thích do sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB, khiến NHNN phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống, bao gồm tăng lãi suất và duy trì hạn mức tín dụng. Khi thanh khoản ổn định hơn, NHNN đã mở rộng hạn mức tín dụng vào tháng 12/2022, tạo sự ổn định cho hệ thống đến hiện tại. Thống đốc cũng cho biết lãi suất dài hạn thường cao hơn ngắn hạn, và NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất vay, đồng thời đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn.
Về tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc thừa nhận thị trường này còn mất cân đối và phân khúc nhà ở xã hội còn hạn chế. Ngành ngân hàng hiện đang triển khai nhiều chương trình cho vay nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và các NHTM Nhà nước, nhằm hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách, xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt, cụm tuyến dân cư ở vùng ngập lũ và khu vực miền núi. Tuy nhiên, các thủ tục cho vay này đều tuân theo quy định cụ thể của các bộ, ngành và NHCSXH chỉ giải ngân sau khi đã thẩm định đúng đối tượng.
Thống đốc cũng lưu ý rằng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, và trong điều kiện ngân sách hạn chế, ngành ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng (nay tăng lên 145 nghìn tỷ đồng) với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1,5 đến 2% cho khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, hiện mức giải ngân vẫn thấp, chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, do nhu cầu của người dân chưa cao.
Thống đốc NHNN đồng tình với đề xuất khảo sát nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở để đưa ra giải pháp phù hợp, sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.