Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành giao thông vận tải đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật. Phấn đấu 80% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 85% hồ sơ trực tuyến toàn trình được thực hiện trực tuyến; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến do Bộ GTVT cung cấp được định danh và xác thực thông suốt; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính do Bộ GTVT cung cấp; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ GTVT.
Số hóa đăng kiểm giúp hoạt động đăng kiểm thuận lợi (Ảnh minh họa) |
Xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống thông tin, đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của Bộ GTVT về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện. Bảo đảm được an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ GTVT, trong đó các hệ thống thông tin quan trọng được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc Bộ GTVT được phê duyệt cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
Đối với phát triển kinh tế số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử đối với hoạt động phương tiện giao thông đường bộ. Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống giám sát điều hành giao thông, thu phí điện tử không dừng, kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025. Phát triển và thúc đẩy sử dụng nền tảng cảng biển số, nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải.
Tại TP. HCM, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý giao thông của đơn vị, thể hiện rõ nhất ở sự vận hành của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông. Hiện Trung tâm này có 834 camera quan sát giao thông, 118 camera quan trắc giao thông; 216 tủ tín hiệu giao thông khu vực 36 km2 trung tâm thành phố; Cổng thông tin giao thông với 74 Bảng thông tin giao thông điện tử; 09 vị trí kiểm soát tốc độ, 6 trạm kiểm soát tải trọng; 959 vùng mô phỏng dự báo giao thông… Nhờ đó, việc giám sát, quản lý được tối ưu hóa, tiết kiệm nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ, Thành phố hiện có 3 trạm BOT thu phí điện tử không dừng ETC; triển khai thanh toán điện tử trong vận tải hành khách công cộng và đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp.
TP. HCM sử dụng công nghệ cảm biến đo đếm lưu lượng thế hệ mới, kết hợp với mô phỏng bản sao kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo để quản lý giao thông. |
Ngành GTVT TP. HCM hiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý lòng đường, hè phố như: xây dựng công cụ, phần mềm quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố. Đồng thời, công khai việc cấp giấy phép, đóng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng trên thiết bị di động thông minh.
Sở GTVT TP. HCM cũng đã kiến nghị UBND Thành phố ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trong “Chương trình Chuyển đổi số” và Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh”.