Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Cùng với sự phát triển đáng kể của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, từ năm 2001 đến 2021, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lên đến 14%, và dự kiến đạt mức doanh thu gần 600 tỷ USD vào năm 2023, ngành bán dẫn được xem là một trong những ngành chủ chốt của ngành công nghiệp điện tử.
Trước tình hình phức tạp của chuỗi cung ứng và tình hình chính trị thế giới, các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn đang tìm kiếm các cơ hội mới ở các quốc gia châu Á, và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với nhiều lợi thế như môi trường đầu tư thuận lợi, lực lượng lao động chất lượng và mối quan hệ đối tác toàn diện với các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Với cơ hội này, Việt Nam cần hành động nhanh chóng và tập trung vào ba mục tiêu cốt lõi: hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng bộ hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những bước quan trọng để đảm bảo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội và tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp cụ thể như tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo, thu hút nhân lực và phát triển các ngành phụ trợ để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế và khả thi của các đại biểu; nhấn mạnh, phát triển công nghiệp bán dẫn là lựa chọn chiến lược của đất nước.
Cũng theo Thủ tướng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần 5 trụ cột, trong đó có trụ cột về nguồn nhân lực. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đang được triển khai có hiệu quả.
Trong đó, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu "Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển ngành bán dẫn; nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này, có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, hiện nay, nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải coi phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư cho xứng tầm đột phá này; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư cho phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn.
P.V (t/h)