Nông dân được xác định là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, giữ vai trò chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU với các giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
![]() |
Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. |
Theo Chương trình hành động, đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ đáp ứng tiêu chí về lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70% trở lên, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt tối thiểu 20%.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt 05 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của người dân. Gắn đào tạo với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng phát triển nông, lâm, thủy sản hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện bộ máy quản lý, xây dựng mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo vùng, hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm yếu thế, lao động khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề: Cập nhật, chuẩn hóa chương trình, chú trọng thực hành, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mở, linh hoạt, gắn đào tạo với học tập suốt đời, góp phần xây dựng đội ngũ nông dân có trình độ, năng lực đổi mới sáng tạo.Tăng cường tư vấn nghề nghiệp, khảo sát nhu cầu lao động, dự báo xu hướng việc làm, đào tạo lại nhân lực nông thôn theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thực tế, đảm bảo việc làm sau học nghề.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề: Tuyên truyền về vai trò đào tạo nghề trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Phổ biến chính sách, mô hình hiệu quả sau đào tạo. Nâng cao nhận thức về tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu đối với kinh tế nông thôn.
Đào tạo nghề gắn với phát triển kỹ năng số, sản xuất hiện đại: Gắn đào tạo với phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Chuyển giao công nghệ mới, nâng cao kỹ năng quản lý, sản xuất cho nông dân, hợp tác xã. Hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề do biến đổi khí hậu và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Huy động nguồn lực, đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp: Lồng ghép nguồn lực hỗ trợ đào tạo, khuyến khích xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường chất lượng cao giai đoạn 2026-2030. Phát triển đội ngũ giáo viên, huy động nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân tham gia đào tạo, đảm bảo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn hiện đại.
Chương trình hành động số 68-CTr/TU là một nỗ lực quan trọng của tỉnh Tuyên Quang trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Những hoạt động tích cực từ chương trình không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người dân mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hiện nay. Sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn không chỉ đảm bảo đời sống cho người dân mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế chung của đất nước.