Tadashi Yanai - ông chủ Uniqlo. |
Ông Tadashi Yanai, CEO của Fast Retailing (công ty mẹ của nhãn hiệu Uniqlo), cho biết, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn quan trọng đối với công ty thời trang này và khẳng định sẽ duy trì hoạt động sản xuất tại đây, bất chấp bối cảnh nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác đang chuyển dịch khỏi quốc gia tỉ dân.
Trả lời phỏng vấn báo Nikkei Asia, ông Yanai khẳng định, Fast Retailing từ trước đến nay đã phát triển cùng ngành dệt may Trung Quốc. Theo đó, tầm quan trọng của Bắc Kinh, hay công tác quản lý các nhà máy của Trung Quốc là "không thay đổi".
"Hàng chục ngàn công nhân trẻ làm việc trong một nhà máy ở quốc gia này, không giống như những nhà máy ở Nhật Bản với chỉ khoảng 100 nhân công", ông chủ Uniqlo cho hay.
Quyết định này đi ngược với xu hướng "Trung Quốc cộng một" - chiến lược đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường như Ấn Độ và Việt Nam của nhiều tập đoàn toàn cầu. Làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ do lo ngại về tình trạng kinh tế trì trệ, xung đột thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề môi trường.
Theo số liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, nước này đã ghi nhận thâm hụt đầu tư nước ngoài trong hai quý liên tiếp tính đến tháng 9/2024, trong đó riêng quý II đạt mức kỷ lục 14,9 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 1998.
Tình hình có thể trở nên căng thẳng hơn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới, với kế hoạch áp thuế bổ sung 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Yanai vẫn bác bỏ khả năng chuyển dịch sản xuất. "Không dễ để xây dựng nhà máy quy mô lớn thay thế các cơ sở tại Trung Quốc - nơi chúng tôi đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm. Các nhà máy ở những nơi khác khó đạt được tiêu chuẩn tương đương nếu không có sự hỗ trợ lớn từ đội ngũ chuyên gia Nhật Bản", ông nhấn mạnh.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ và EU đã suy giảm trong thập niên qua do chi phí nhân công tăng cao, CEO Fast Retailing vẫn đánh giá cao năng lực của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc đảm bảo chất lượng cho sản xuất quy mô lớn.
Trong số 397 nhà máy đối tác của Fast Retailing, có đến 211 nhà máy đặt tại Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam với 61 và Bangladesh với 26. Đồng thời, trong số 155 nhà máy dệt trên toàn cầu mà công ty hợp tác, 75 nhà máy cũng nằm ở Trung Quốc. Để củng cố chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, Fast Retailing đã triển khai các đội Takumi (thợ thủ công) – những chuyên gia kỹ thuật trong ngành dệt may. Họ cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về nhuộm, may mặc và an toàn lao động không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Dù không chỉ đích danh, ông Yanai thừa nhận một số cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, theo ông, những nhà máy này vẫn có thị trường tiêu thụ tại châu Âu và Mỹ. "Nhật Bản có nền văn hóa đại chúng khắt khe nhất về thời trang, người tiêu dùng rất cầu kỳ trong việc lựa chọn trang phục bất kể mức giá", ông nhận xét.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của Fast Retailing, đóng góp 22% doanh thu hàng năm, chỉ đứng sau Nhật Bản với 30%. Uniqlo, thương hiệu chủ lực của Fast Retailing, áp dụng chiến lược tái cấu trúc ở Trung Quốc bằng cách đóng cửa những cửa hàng nhỏ, vị trí không thuận lợi để mở các cửa hàng lớn hơn tại vị trí tốt hơn.
"Tiềm năng tại Trung Quốc đại lục vẫn rất lớn. Chúng tôi mới chỉ đi được nửa chặng đường", Chủ tịch Uniqlo Daisuke Tsukagoshi chia sẻ tại cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hồi tháng 10.