Ổn định kinh tế vĩ mô để đất nước phát triển mạnh mẽ

14:27 20/09/2022

Đó là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra vào chiều 18/9.

Ảnh minh họa
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.

Đánh giá kết quả chương trình làm việc, tóm tắt ý kiến của các đại biểu, diễn giả trong nước và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Diễn đàn đã khẳng định, việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu.

Tại Diễn đàn này, Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, cho rằng trong khi thế giới tăng trưởng thấp, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, và khi thế giới lạm phát cao thì Việt Nam ở mức lạm phát thấp.

Các diễn giả cũng đánh giá chỉ số chống chịu, tự cường nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình và khá, nhưng các chính sách từ vĩ mô, tài khóa đến tiền tệ phối hợp các chính sách thương mại đều đang đi rất đúng hướng. Các đại biểu, diễn giả đều thống nhất bên cạnh mục tiêu ngắn hạn, cần quan tâm các mục tiêu lâu dài.

Đồng thời, các đại biểu đã đề nghị tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh vì mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự cường; cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, giải quyết bài toán về quy hoạch trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển sau những tác động nặng nề của dịch bệnh.

Các chính sách đã dần đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, nhất là các chính sách giảm thuế, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng bối cảnh hiện nay có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết 43. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này đặt ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh trong quá trình thực thi nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn, cần bảo đảm  tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình, nhất trí cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đề nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia, là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.

Trong thời gian tới, theo nhiều ý kiến của học giả, chuyên gia kinh tế, Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật; đặc biệt khẩn trương sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai đang được xã hội rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những thông tin quý, hữu ích tập hợp từ Diễn đàn lần này với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.

P.L