OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 4,2% trong năm nay so với mức suy giảm 4,5% được đưa ra trước đó. Sang năm 2021, tổ chức này dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,2%.
Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD cho biết lần đầu tiên kể từ đại dịch bắt đầu, triển vọng kinh tế toàn cầu có hy vọng tươi sáng hơn.
Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn là nhờ những thông tin tích cực về vaccine COVID-19, tuy nhiên đà tăng trưởng có thể không đồng đều giữa các khu vực.
Bà Boone nhận định những tiến bộ về vaccine và điều trị COVID-19 đã làm gia tăng kỳ vọng cho kinh tế thế giới và các yếu tố không chắc chắn đã giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, bà Boone thừa nhận rằng các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 có thể sẽ vẫn cần thiết trong vài tháng tới.
OECD ghi nhận sự phục hồi nhanh là nhờ những hành động "chưa từng có" của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Tuy nhiên, OECD cảnh báo sự phục hồi này có thể sẽ không đồng đều và dẫn đến những thay đổi lâu dài trong nền kinh tế thế giới.
Dự kiến Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất thoát khỏi tình trạng suy thoái trong năm nay với mức tăng trưởng 1,8% và sau đó là 8% vào năm 2021. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 3,7% trong năm nay và nhiều khả năng chỉ phục hồi với mức tăng 3,2% vào năm tới.
Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) ước tính sẽ chỉ tăng 3,6% vào năm 2021 sau khi dự kiến giảm 7,5% vào năm 2020. Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tương tự, với mức giảm ước vào khoảng 5,3% trong năm nay và mức tăng 2,3% vào năm 2021.
Các nền kinh tế mới nổi khác cũng dự kiến sẽ chỉ phục hồi từ từ. Sau mức giảm dự kiến 6% trong năm nay, OECD nhận định nền kinh tế Brazil sẽ chỉ tăng 2,6% vào năm tới.
Ấn Độ có thể phục hồi tốt hơn với mức giảm 9,9% trong năm nay, nhưng sẽ tăng tới 7,9% trong năm 2021.
Nhìn chung, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu vào năm tới, trong khi tỷ trọng của kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp hơn.
TH