Nỗ lực nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt

16:53 18/11/2021

Đó cũng chính là nhận định của ông Weert Borner - Phó Đại sứ phụ trách Kinh tế của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội khi đưa ra những lời đánh giá về tiềm năng của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hậu đại dịch. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông cũng đã đưa ra cái nhìn tổng quan về sự quan tâm của các doanh nghiệp Đức trong việc mở rộng đầu tư sang Việt Nam và mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng và địa điểm đầu tư tin cậy.

Weert Borner - Phó Đại sứ phụ trách Kinh tế của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Ông Weert Borner - Phó Đại sứ phụ trách Kinh tế của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Sự quan tâm của các doanh nghiệp Đức vào Việt Nam hậu Covid-19

Mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) đã công cố kết quả khảo sát niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK WBO) – mùa Thu 2021. Theo dõi kết quả khảo sát thấy được rằng, chỉ số lạc quan của doanh nghiệp về sự phục hồi của nền kinh tế có phần giảm sút so với thời điểm đầu năm 2021. Chỉ có 33% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát tin tưởng vào sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.

Trên thực tế, những thách thức và khó khăn do tình trạng đại dịch Covid-19 kéo dài đã kìm hãm đà phát triển của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Việc hạn chế đi lại và những vấn đề về chuỗi cung ứng và logistics đã gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, khiến cho rất nhiều những dự định đầu tư, tái đầu tư hay mở rộng kinh doanh phải tạm dừng hay trì hoãn. Những thách thức khác mà doanh nghiệp nước này phải đối mặt là việc các đơn hàng bị hủy hay nhu cầu của khách hàng giảm mạnh.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp Đức tỏ ra tự tin vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình tại Việt Nam. Có 55% doanh nghiệp Đức kỳ vọng vào sự phát triển tích cực của doanh nghiệp mình trong năm 2022. Có đến 83% trong số họ sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới.

doanh nghiệp Đức tỏ ra tự tin vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình tại Việt Nam
Bất chấp đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Đức vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình tại Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả khảo sát còn cho thấy, 47% công ty Đức có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và 50% trong số họ có ý định sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm 2021-2022.

Ông Weert Borner nhận định: “Do đại dịch COVID, nhiều doanh nghiệp của Đức, cũng như nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia khác dường như đã trở nên an toàn hơn, họ thận trọng với mọi quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì tôi chưa nghe được tin tức nào liên quan đến việc công ty Đức hủy kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Sự quan tâm của các doanh nghiệp Đức trong việc mở rộng đầu tư sang Việt Nam vẫn ở mức cao. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hay y tế vẫn đang đầu tư mạnh vào Việt Nam ngay cả khi đang xảy ra đại dịch”.

Trước đại dịch, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã và đang khiến các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cách dịch chuyển sản xuất của mình sang các nước châu Á khác. Chiến lược 'Trung Quốc +1' đã ra đời trong bối cảnh như vậy và ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, các quốc gia ASEAN, bao gồm cả Việt Nam cũng được hưởng lợi khi các công ty đa quốc gia áp dụng chiến lược 'Trung Quốc + 1' và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Nhận xét về xu hướng này, ông Borner cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp Đức, bằng cách áp dụng nguyên tắc ‘Trung Quốc + 1’ đã sẵn sàng hướng tới thị trường Việt Nam và hợp tác với cả các doanh nghiệp Việt. Do xã hội và nền kinh tế đều gánh chịu ảnh hưởng nặng nề và bị tổn hại bởi Covid-19, nên sức hấp dẫn của Việt Nam so với với các điểm đến tiềm năng khác ít nhiều cũng không được cao như trước đại dịch. Thế nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng, việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020 - sau khi đại dịch bắt đầu, thể hiện một yếu tố tích cực khác đối với Việt Nam và các doanh nghiệp Đức nói riêng, doanh nghiệp châu Âu nói chung”.

Ông cho rằng, điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam so với các thị trường trong khu vực bao gồm môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện; chi phí lao động tương đối hấp dẫn cùng với đó là lực lượng lao động ham học hỏi và có kỹ năng tốt; triển vọng tăng trưởng dài hạn với sự ổn định về chính trị; khả năng hội nhập toàn cầu cao thông qua một loạt các FTA thế hệ mới hiện có và vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa một khu vực tăng trưởng kinh tế rất mạnh

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu

Trước đây, trong một bài phỏng vấn của Tạp chí Doanh nghiệp &à Hội nhập, ông Guido Hildner - Đại sứ Đức tại Việt Nam từng nhận định rằng: “Nền kinh tế Đức được biết đến nổi tiếng thông qua nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn, thế nhưng xương sống của nền kinh tế Đức lại chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi vì họ có sự chăm chỉ và có sự linh hoạt, sáng tạo khi làm việc. Chính vì thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và rất đáng mừng rằng việc thực hiện Hiệp định EVFTA có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, mang lại nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả 2 nước có thể cùng nhau phát triển”.

Sau hơn một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và Đức, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Đức và ngược lại đều có những bước tăng trưởng. Có thể nói EVFTA đã thúc đẩy thương mại đầu tư, tạo cơ hội lâu dài, định hình mối quan hệ hai bên Đức - Việt Nam, tạo động lực lớn để doanh nghiệp Đức quyết định đầu tư vào môi trường vừa an toàn, phát triển nhanh như Việt Nam.

Hiệp định EVFTA có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, mang lại nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả 2 nước
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả 2 nước.

Trong tương lai, Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức nói riêng và EU nói chung, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên. Tuy nhiên, ông Borner nhìn nhận rằng, các Hiệp định này không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ, tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp Việt với quyết tâm đổi mới chính mình. “Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hậu đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà Hiệp định EVFTA đem lại”, ông Borner chia sẻ.

Triển khai EVFTA là câu chuyện dài và phức tạp cũng như quá trình đàm phán. Hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đã làm cho tình hình khởi động EVFTA khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam và Đức đã có nền tảng phát triển thương mại đầu tư rất tốt sẽ là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng hiện thực hóa các cơ hội mà EVFTA mang lại.

Nhận định về triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên trong thời gian tới, ông Weert Borner cho rằng: “Vì đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nên khó có thể dự đoán trước được tiềm năng phát triển cho năm 2022. Tuy nhiên, tôi đánh giá triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam là rất tiềm năng, một phần do EVFTA, một phần do Việt Nam đang không ngừng nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa. Đức có rất nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ, máy móc, sản xuất thông minh, dược phẩm, mô hình nông nghiệp thông minh,…. Đây cũng sẽ là những lĩnh vực mà tôi cho rằng nhiều doanh nghiêp Việt Nam hiện đang quan tâm”.

Về hợp tác kinh tế, Đức đã và đang là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Khối lượng thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đạt 13,2 tỷ euro (hơn 14,7 tỷ USD) vào năm 2020, theo đó, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong số các nước ASEAN và thứ 6 ở châu Á. Đầu tư của Đức vào Việt Nam đã tăng gấp 1,7 lần trong 10 năm qua. Đức là 3 nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, với 378 dự án FDI có hiệu quả, tổng trị giá hơn 2,2 tỷ USD. Khoảng 400 công ty Đức hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.

Bảo Bảo