Nỗ lực gỡ "thẻ vàng": Cố gắng nhưng chưa đủ!

23:45 11/09/2022

Từ đầu năm đến nay, vẫn còn 62 tàu cá vi phạm như ghi không đầy đủ lịch trình khai thác, để mất kết nối trên biển, tháo các thiết bị đường truyền tin để đi khai thác trái phép, khai thác sai bộ trái tuyến… Dù Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương cải thiện nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Chia sẻ trên báo Nhân dân về thực trạng khắc phục thẻ vàng IUU hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, đến hết tháng 6/2022, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã có tiến bộ đạt 93,4%(28.079/30.074 tàu) tăng 3,14%so với trước. Từ quý IV/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát 77.076 lượt tàu cá hoạt động trên biển, ngăn chặn, yêu cầu 210 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam.

28 tỉnh, thành ven biển cũng tích cực hơn trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Thời điểm này đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã xử phạt 996 vụ với tổng số tiền xử phạt 16,5 tỷ đồng.

Nước ta đã Nỗ lực gỡ
Nước ta đã nỗ lực gỡ "thẻ vàng" nhưng chưa đủ.

Đáng nói, theo ông Hùng, tuy chúng ta đã cố gắng nỗ lực nhưng chưa đủ. Từ đầu năm đến nay, vẫn còn 62 tàu cá vi phạm như ghi không đầy đủ lịch trình khai thác, để mất kết nối trên biển, tháo các thiết bị đường truyền tin để đi khai thác trái phép, khai thác sai bộ trái tuyến… Dù Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương cải thiện nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Ngoài ra, chất lượng các cảng cá yếu kém, thiếu nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải, dù được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu do khá xập xệ. Rất nhiều cảng cá không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành, các địa phương giám sát cũng chưa chặt chẽ. Hơn nữa, nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về hệ thống máy tính, hệ thống giám sát; số lượng sinh viên đăng kí học ngành về thủy sản còn rất ít.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN - PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nâng cao năng lực thực thi của các lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện đầy đủ các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan về khai thác thủy sản theo quy định. Đặc biệt là Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng để chống khai thác IUU theo thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức các Đoàn công tác liên ngành làm việc với các nước có bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam để nắm bắt tình hình và điều tra, xử lý dứt điểm; xử lý mạnh tay trái phép tàu cá, ngư dân Việt Nam. Tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chiến lược phát triển thủy sản đã được phê duyệt.

Về phía Bộ Công an điều tra, xử lý, xử phạt dứt điểm hành vi cố tình hoặc các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại địa phương.

Các địa phương cũng cần kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm; đặc biệt công tác tổ chức, quản lý nghề cá tại các cảng cá. Tập trung rà soát, củng cố hồ sơ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trên phần mềm điện tử để dễ dàng lưu trữ, theo dõi, truy xuất, quản lý.

Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.

Kể từ sau khi phạt “thẻ vàng”, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam hai lần vào các năm 2017, 2019. Nhưng đến nay, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ” vì tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các vùng biển nước ngoài.

P.V