Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, cuối cùng cuộc sống bình thường đã dần trở lại trên những con phố Việt Nam. Cùng với đó là giao thông tấp nập và các vụ tai nạn giao thông bắt đầu xuất hiện đây đó. Thậm chí có người cho rằng, tai nạn xảy ra còn nhiều hơn so với trước giai đoạn giãn cách. Hầu hết các vụ tai nạn đều được đổ lỗi cho lái xe kém hoặc ẩu. Điều này đúng ở một chừng mực nào đó. Nhưng có một lý do khác, ẩn khuất hơn – đó là thuế nhập khẩu ô tô.
Các dòng xe ô tô hiện đại không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà còn thoải mái hơn và quan trọng nhất là an toàn hơn. Nhiều dòng xe được chào bán trên thị trường hiện nay có tích hợp hàng loạt công nghệ thông minh giúp tránh tai nạn, chẳng hạn như phần mềm nhận dạng khuôn mặt để tránh ngủ gật, hệ thống giám sát áp suất lốp, cảnh báo va chạm phía trước hoặc cảnh báo đi chệch làn đường. Nhưng những công nghệ thông minh này là vô nghĩa đối với những người không có đủ khả năng tài chính để trang bị chúng.
Mức thuế cao áp lên ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã và đang cản trở việc mua sắm những chiếc xe mới nhất và an toàn nhất trên thị trường. Khi mà người dân không thể mua những chiếc xe hiện đại do mức thuế cao, thì họ sẽ tiếp tục sử dụng những dòng xe cũ với các tính năng an toàn lỗi thời cho đến khi nào hỏng thì thôi. Đây là mối hiểm nguy cho mọi người tham gia giao thông. Ngay cả khi tài xế lái xe cẩn thận thế nào đi chăng nữa, chiếc xe vẫn có thể bị hỏng và gây ra tai nạn dẫn đến tử vong.
Hầu hết người dân Việt Nam không đủ tiền mua ô tô sẽ dựa vào phương tiện di chuyển rẻ tiền hơn là xe máy. Thực tế này cũng không giúp ích được gì cho tình hình an toàn giao thông bởi xe máy vốn thiếu các công nghệ đảm bảo an toàn.
Vì vậy, không gì đáng ngạc nhiên khi mà từ lâu tai nạn giao thông đường bộ đã được xem là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên số một tại Việt Nam, bên cạnh tử vong do bệnh tật. Trên thực tế, tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với thanh thiếu niên 15-29 tuổi ở Việt Nam theo một báo cáo của OECD.
Chúng tôi có thể đưa ra một vài con số về số người đã tử vong vì tai nạn giao thông do thuế quan gián tiếp gây ra. Theo một nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu (gồm Việt Nam) do Tiến sĩ Daniel Borer thuộc Đại học RMIT thực hiện năm 2020, số lượng ca tử vong do tai nạn ô tô có thể giảm 7,5% nếu thuế nhập khẩu ô tô giảm 10%.
Dựa trên số liệu thống kê từ các nguồn khác nhau, bao gồm Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam, nghiên cứu viên từ RMIT cho thấy, có mối liên hệ giữa thuế nhập khẩu ô tô và số người ước tính thiệt mạng do tai nạn giao thông liên quan đến ô tô cũ ở Việt Nam (xem biểu đồ bên dưới).
Tuy nhiên, triển vọng phía trước đang sáng sủa hơn cho Việt Nam. Số người thiệt mạng gián tiếp do thuế nhập khẩu ô tô đã giảm nhiều trong vài năm qua. Được thúc đẩy bởi Hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Chính phủ Việt Nam đã giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN. Điều này đã khiến nhu cầu nhập khẩu ô tô kém an toàn từ Ấn Độ và Trung Quốc dịch chuyển sang nhập khẩu ô tô sản xuất tại khu vực Đông Nam Á.
Mức thuế trung bình đối với ô tô nhập khẩu đã giảm từ 49% năm 2015 xuống 12% vào năm 2020. Xu hướng giảm này có thể và cần tiếp tục khi Việt Nam tham gia vào kỷ nguyên mới của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bởi theo đó, ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn. Liệu sự cạnh tranh gia tăng này có gây hại cho các thương hiệu trong nước như VinFast? Câu trả lời từ góc độ kinh tế là “không”, bởi vì cạnh tranh luôn giúp các công ty nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ.
Tóm lại, nhờ sự đồng tình và tầm nhìn xa của Chính phủ Việt Nam, chúng ta đang tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn, nơi những chiếc xe an toàn hơn và có giá cả phải chăng sẽ lăn bánh trên khắp các nẻo đường đất nước. Tuy nhiên, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam hiện vẫn đang chịu mức thuế trung bình là 12%, và hằng năm chúng ta vẫn phải nói lời vĩnh biệt với gần 200 người – những người đã phải rời xa cuộc sống này do không đủ khả năng tài chính để sở hữu những chiếc xe an toàn hơn.
Tiến sĩ Daniel Borer - Chuyên gia kinh tế người Thụy Sĩ và giảng viên Đại học RMIT