Ngày 23-5, nhóm 23 nhà đầu tư các dự án điện tái tạo đang đàm phán giá chuyển tiếp đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị hướng dẫn về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, vì đến nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của bộ này. Đây là điểm mấu chốt để 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời chưa thể phát lên lưới điện quốc gia.
Ngành điện đang thiếu điện rất gay gắt. Điều này đã được Chính phủ dự báo và giao trách nhiệm cho Bộ Công thương đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng và chỉ thị Bộ Công thương không được để thiếu điện. Thủ tướng cũng yêu cầu tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng đến nay các doanh nghiệp (DN) điện tái tạo vẫn tiếp tục kêu cứu vì không thể phát điện lên lưới.
Nhập khẩu điện, kêu gọi tiết kiệm điện
Trong những ngày qua, một số địa phương đã xuất hiện việc cắt điện luân phiên, khiến các nhà sản xuất và người dân kêu trời giữa mùa nắng nóng cực điểm, dù giá điện mới tăng tức thì. Chiều 18-5, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ với sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Tại họp báo, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, thông tin về lý do cắt điện là do hệ thống có nhiều nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, nhiều hồ thủy điện về mực nước chết, gây khó khăn cho việc vận hành, cung ứng điện.
Với nguồn điện gần như không còn dự phòng để cung ứng, trong khi mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu, nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng là rất cao, ngày 22-5, Bộ Công thương tổ chức hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc. Những tưởng phong trào kiểu này chỉ thường được phát động từ nhiều thập niên trước khi mà nguồn điện thiếu trước hụt sau, nhưng đến thời điểm này khi nguồn cung ứng điện nước ta rất đa dạng và phong phú, mà vẫn thiếu điện.
Nhiều địa phương đã có những động thái kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhưng tình tình thiếu điện ngày càng gay gắt, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, EVN đang đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái (Quảng Ninh) trong tháng 5, 6 và 7 với công suất 70MW. EVN cũng tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, thủy điện Nậm San, dự kiến sẽ vận hành thương mại trong tháng 5. Ngày 22-5, TP Móng Cái đã hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110Kv Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện. Dự kiến toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó nguồn điện dự phòng của nước ta vẫn còn hàng chục nhà máy điện tái tạo đang “đắp chiếu” không phát được lên lưới điện quốc gia. Theo Bộ Công thương, đến nay chỉ mới thống nhất giá tạm thời của 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được EVN và các chủ đầu tư thống nhất nhưng một số vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý.
Về giá điện nhập khẩu, theo Bộ Công thương mức giá trần đối đa nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam là 6,95 USCent/kWh. Bộ Công thương cho rằng mức giá 6,95 USCent/kWh như chủ đầu tư cam kết giá bán điện cho EVN từ cụm nhà máy điện gió Mận San thấp hơn so với mức giá điện mua từ các nguồn điện gió theo Quyết định 39 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió trong đất liền là 8,5 USCent/kWh và đối với dự án điện gió trên biển là 9,8 USCent/kWh.
Các nhà máy điện tái tạo vẫn đang kêu cứu
Ngày 17-5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 182/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về thực hiện kết luận của lãnh đạo Chính phủ liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành. Theo đó, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết để chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo.
Thông báo nêu rõ: Thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy còn nhiều dự án đã được DN đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời. Chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Theo báo cáo này, Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20-5 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới.
Tuy nhiên tiến độ “giải cứu” các DN điện tái tạo vẫn rất chậm. Theo EVN, đến nay mới chỉ có 37/85 hồ sơ dự án được các chủ đầu tư gửi tới EVN. Vẫn còn 48 nhà máy chưa được nộp hồ sơ đàm phán, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện.
Các nhà đầu tư điện tái tạo đang rất nóng lòng chờ đợi “giải cứu”. Ngày 23-5, nhóm 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đang đàm phán giá chuyển tiếp đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị hướng dẫn về mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán theo hợp đồng mua bán điện.
Kiến nghị của các nhà đầu tư này cho biết, đến nay EVN chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công thương nên quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án tiếp tục gặp vướng mắc.
Các nhà đầu tư cho rằng, trong dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, điều khoản về giá mua điện vẫn chưa có quy định thể hiện rõ nội dung “sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Vì vậy, theo các nhà đầu tư, chưa thể ký hợp đồng khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.
Các chủ đầu tư đề nghị Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá tạm thời; cho phép EVN huy động lên lưới các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.
Rõ ràng trách nhiệm việc “giải cứu” các dự án năng lượng tái tạo đang nằm trong tay Bộ Công thương.
Đến nay, mới chỉ có 15/85 chủ đầu tư dự án điện gió, mặt trời thống nhất được mức giá tạm để làm căn cứ ký hợp đồng mua bán điện, nhưng vẫn còn một số vấn đề pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện để có thể phát lên lưới điện quốc gia.
Trách nhiệm của Bộ Công thương
Theo kiến nghị của các nhà đầu tư, việc “giải cứu” các nhà máy điện tái tạo là do Bộ Công thương đến nay vẫn chưa có hướng dẫn gửi cho EVN, vì vậy quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Đây là điểm mấu chốt để 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời có thể phát lên lưới điện quốc gia.
Cách nay hơn 2 tháng, ngày 20-3, EVN đã có buổi trao đổi với các chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện tái tạo. Để tránh lãng phí trong thời gian chờ đàm phán giá, một trong các chủ đầu tư, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T kiến nghị trong thời gian chờ đàm phán giá mới, Bộ Công Thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, để tránh lãng phí, với giá tạm tính 6,2 cent một kWh. Theo bà Bình, giá huy động tạm tính trong thời gian này có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent một kWh), tức khoảng 6,2 cent - tương đương gần 1.500 đồng một kWh. Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương (1.508 - 1.587 đồng một kWh.
"Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại", đại diện chủ đầu tư T&T phát biểu.
Vậy tại sao Bộ Công thương, EVN không tạm mua điện theo giá như các nhà đầu tư đề xuất mà lại đi nhập khẩu điện với giá cao hơn?
Suy cho cùng, trách nhiệm thiếu điện, chậm mua lại điện năng lượng tái tạo của các nhà máy trong nước đã hoàn thành, trách nhiệm thuộc Bộ Công thương và EVN.
Họ sợ trách nhiệm hay vì lý do nào khác?
“Căn bệnh” này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính “bắt mạch” bằng Công điện số 280/CĐ-TTg để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Nói thẳng ra, trong hoàn cảnh thiếu điện gay gắt như hiện nay, trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương và EVN. Trong khi EVN lại cho rằng năng lượng tái tạo chưa đủ mạnh, rằng đã làm hết sức, huy động mọi nguồn để đảm bảo cung ứng điện, nhưng mọi việc khó có thể nói trước nếu nắng nóng vẫn kéo dài và thủy điện tiếp tục cạn nước. Trong khi đó, vẫn còn 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời của các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) chưa thể huy động lên lưới điện quốc gia do còn nhiều vấn đề về pháp lý.
Lãng phí lớn, các doanh nghiệp dễ bị phá sản
Đầu năm 2023, Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện mới cho các dự án chuyển tiếp. Theo đó, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh, điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây khi các dự án điện tái tạo còn được hưởng ưu đã đầu tư.
Theo các nhà đầu tư, họ đã phải chờ hơn 2 năm để có cơ chế giá phát điện mới, làm cơ sở để thoả thuận giá bán điện với EVN. Với khung giá này, giá bán điện thực tế của các dự án chuyển tiếp sau đàm phán sẽ thấp hơn hoặc bằng mức trần tại khung giá.
Các DN đầu tư năng lượng tái lo ngại những bất cập về pháp lý, hiệu quả tài chính thấp khiến các DN thua lỗ, phá sản. Theo tính toán, chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư của 34 dự án điện tái tạo đã hoàn thành đầu tư xây dựng gần 85.000 tỷ đồng, trong đó 58.000 tỷ là vốn vay ngân hàng.
Nếu không “giải cứu” kịp thời không chỉ gây lãng phí trong khi cả nước đang thiếu điện gay gắt, mà còn khiến các DN đầu tư năng lượng tái tạo phá sản.
Lưu Vĩnh Hy