![]() |
Nhìn gì từ làn sóng giải thế doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán |
Thị trường thời trang Việt vừa đón nhận một tin buồn khi thương hiệu giày “Một” – một trong những local brand được giới trẻ TP. Hồ Chí Minh yêu thích – chính thức thông báo ngừng hoạt động từ ngày 15/2. Đây là cú sốc lớn với nhiều tín đồ thời trang, bởi Một không chỉ là một thương hiệu giày mà còn là biểu tượng của phong cách tối giản, tinh thần sáng tạo “made in Vietnam” và chất lượng bền bỉ đã được khẳng định suốt nhiều năm qua.
Trong thông báo chia tay, Một gửi lời cảm ơn chân thành đến những khách hàng đã đồng hành, ủng hộ thương hiệu từ những ngày đầu tiên: “Mình đã có hành trình thật đẹp, biết thêm những người bạn hợp cạ, cùng trưởng thành qua vui, buồn, khó khăn và kể với nhau nhiều câu chuyện đáng nhớ”.
![]() |
Bài đăng chào tạm biệt của thương hiệu giày “Một” |
Không chỉ dừng lại ở một lời tạm biệt, bài đăng của Một nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm lượt bình luận bày tỏ sự tiếc nuối. Nhiều khách hàng trung thành của thương hiệu cho biết họ không chỉ yêu thích sản phẩm mà còn trân trọng những giá trị và câu chuyện mà Một đã xây dựng trong suốt hành trình của mình.
Tuy nhiên, sự rời sân của Một không phải là trường hợp đơn lẻ. Thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội chứng kiến làn sóng đóng cửa của nhiều thương hiệu nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngay sau Tết Nguyên đán – thời điểm vốn được kỳ vọng là cú hích thúc đẩy doanh số đầu năm – thay vì nhộn nhịp, hàng loạt cửa hàng lại treo biển “cho thuê mặt bằng”.
Tại những tuyến đường sầm uất bậc nhất ở TP. Hồ Chí Minh như Nguyễn Trãi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn hay Hai Bà Trưng, không khó để bắt gặp cảnh nhiều mặt bằng bị bỏ trống trong thời gian dài mà chưa có người thuê mới.
Theo một môi giới chuyên cho thuê mặt bằng tại khu vực quận 1 (TP.HCM ) cho biết: "Trước đây, muốn tìm một mặt bằng ở trung tâm thành phố gần như không có cơ hội vì giá thuê cao nhưng cung lại ít. Nay thì ngược lại, nhiều mặt bằng trống cả tháng trời, khách hỏi thì nhiều nhưng chốt hợp đồng thì rất ít vì kinh doanh thời điểm này quá rủi ro".
Những khó khăn này cũng được thể hiện rõ trong báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, trong giai đoạn đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập giảm 7,5% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng tới 14,6%. Đặc biệt, chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 1, TP. Hồ Chí Minh chỉ cấp phép cho 1.802 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 10.393 tỷ đồng, giảm mạnh 45,4% về số lượng doanh nghiệp và sụt giảm đến 73,4% về vốn.
Trong số này, doanh nghiệp theo mô hình Công ty TNHH vẫn chiếm phần lớn với 1.650 đơn vị nhưng mức vốn đăng ký chỉ đạt 7.815 tỷ đồng, giảm 76,3% so với năm trước. Các công ty cổ phần có 136 đơn vị đăng ký mới với vốn 2.543 tỷ đồng, giảm 58,2%. Riêng doanh nghiệp tư nhân dù chỉ có 16 đơn vị mới nhưng vốn đăng ký lại tăng 276,9%, cho thấy sự dịch chuyển của một bộ phận nhà đầu tư sang mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, linh hoạt hơn để thích nghi với điều kiện thị trường.
Không chỉ các thương hiệu thời trang như Một, mà nhiều ngành hàng khác cũng đang lao đao vì áp lực chi phí vận hành, giá thuê mặt bằng cao và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ sau đại dịch cũng khiến nhiều cửa hàng truyền thống khó có thể duy trì mức doanh thu như trước. Bên cạnh đó, sức mua yếu đi trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn khiến nhiều doanh nghiệp không thể gồng gánh chi phí vận hành trong dài hạn.
![]() |
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động đầu năm không phải là điều mới, mà đã trở thành một xu hướng lặp lại hằng năm. Tháng 1, tháng 2 năm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí, như năm ngoái, xu hướng này còn kéo dài đến nửa đầu năm".
Theo ông Phong, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, đây là một hiện tượng kéo dài, phản ánh chu kỳ kinh doanh sau Tết, khi nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Thứ hai, hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, phải chật vật tìm phương án kinh doanh mới, song định hướng phát triển vẫn chưa rõ ràng.
Thứ ba, áp lực cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế ngày càng gay gắt, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước lại có dấu hiệu suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì doanh thu. Thứ tư, dù các chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã có nhiều điểm tích cực, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi đáng kể. Do đó, cần có thêm những điều chỉnh phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
![]() |
Tại những tuyến đường sầm uất bậc nhất ở TP.HCM vắng người thuê mặt bằng. Ảnh: Dân Việt. |
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp vượt khó?
Đứng trước thực trạng trên, theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay từ nhiều phía, trong đó vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và các hiệp hội là vô cùng quan trọng.
Về phía Nhà nước, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng cần tiếp tục triển khai các chính sách hậu Covid-19 và thực hiện hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết 01, 02 mới nhất. Dù về cơ bản, hệ thống giải pháp đã được xây dựng đầy đủ, nhưng quan trọng nhất vẫn là cách triển khai thực tế.
“Tinh thần thì đã tốt, nhưng việc cụ thể hóa thành chính sách và phân bổ nguồn lực như thế nào lại phụ thuộc vào từng địa phương, bộ ngành,” ông Phong nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hành chính, việc sáp nhập và tái cơ cấu tổ chức có thể gây ra những khó khăn ban đầu về nhân sự, ngân sách và trách nhiệm điều hành, gián tiếp tạo thêm thách thức cho doanh nghiệp. Do đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, mang tính đột phá hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đột phá mà Chính phủ đã đề ra trong năm nay.
Về phía doanh nghiệp, ông Phong cho rằng trước hết, mỗi doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, bám sát thị trường và cập nhật thông tin kịp thời để có chiến lược phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chẳng hạn, ngành dệt may - da giày muốn xuất khẩu thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, có tín chỉ xanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu dùng. Nếu không đáp ứng, thị trường nhập khẩu sẽ từ chối,” ông Phong phân tích.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thay vì hoạt động đơn lẻ, doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác với nhau, đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội để tạo sự thống nhất trong chính sách và hướng đi chung.
Ông Phong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị nhân sự trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Không chỉ yêu cầu nhân sự làm việc liên tục, doanh nghiệp cần có chiến lược tuyển dụng hợp lý, ưu tiên nhân sự có trình độ cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Thị trường ngày nay không chỉ cần lao động tay chân mà còn đòi hỏi trí tuệ, khả năng thích ứng linh hoạt,” ông Phong nói.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, ông Phong cho rằng vai trò của họ là hết sức quan trọng, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn phải chủ động làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Việc đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến đúng nơi, đúng lúc sẽ góp phần giúp các chính sách trở nên thực tiễn và sát với nhu cầu thực tế hơn.