Nhiều ưu điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải

10:55 22/12/2022

Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại là các phương thức có nhiều ưu điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đó là ý kiến được khẳng định tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam” do Học viện Ngân hàng phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức.

Ảnh minh họa
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn – Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại là một phần tất yếu đi cùng với các hoạt động kinh doanh thương mại. Nhu cầu tất yếu của xã hội đặt ra là tìm mọi cách để giải quyết tranh chấp sao cho đỡ tốn kém, đỡ tốn thời gian, ít chi phí nhất và được thực thi hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, hàng chục năm trở lại đây, các quy định của pháp luật đã có, đặc biệt quy định liên quan đến trọng tài và hòa giải thương mại ngày càng được quan tâm và hoàn thiện hơn. 

Ảnh minh họa
TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng HVNH

Tuy nhiên, sự điều chỉnh của pháp luật đối với quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại bằng phương thức trọng tài, hòa giải, đâu đó vẫn bộc lộ những hạn chế, đặc biệt khả năng thực thi, kết quả của trọng tài, của hòa giải trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Điều này cũng nhận được sự quan tâm bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có các chủ thể trong quá trình phát sinh tranh chấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Hội thảo sẽ giúp tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến trọng tài, đánh giá khả năng thực thi các quy định trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại.

Hiện nay, các công ty, tập đoàn tại các nước phát triển ngày càng ưa chuộng hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, do đó doanh nghiệp trong nước nói chung và các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Khi hội nhập kinh tế quốc tế thì các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài diễn ra theo chiều hướng tăng và phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị, tiếp cận về kiến thức và có những hành động cụ nhằm thích ứng với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, như là điều khoản cần có trong giao dịch trong nước và quốc tế.

Vì vậy việc đổi mới về phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng trọng tài và hiểu một cách đầy đủ những ưu thế khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một bước tiến cần thiết. Những lợi ích của các bên khi sử dụng phương thức Hòa giải thương mại và Trọng tài tài thương mại có thể kể đến như: thời gian giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu lực của phán quyế trọng tài là chung thẩm rút ngắn được các trình tự giải quyết hai cấp, giữ được bí mật kinh doanh, được lựa chọn thời gian, địa điểm và người có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp, phán quyết trọng tài được cơ quan Thi hành án thi hành theo Luật thi hành án dân sự.

Chính vì những hiệu quả và lợi ích nổi bật như vậy, giải quyết tranh chấp bằng hình thức Trọng tài thương mại đã được Nhà nước công nhận và khuyến khích các bên tranh chấp áp dụng. 

Ảnh minh họa
PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Giang Thu – Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC), Trường Đại học Luật Hà Nội nêu 8 đề xuất nhằm đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại, trọng tài thương mại của tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, xác định rõ các loại hình tranh chấp cùng với đặc điểm của tranh chấp do các tổ chức tín dụng thực hiện và chỉ rõ tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại hoặc trọng tài thương mại.

Thứ hai, đưa phương án giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại mà một bên là tổ chức tín dụng là phương án ngang bằng với các phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài và con đường tòa án.

Thứ ba, xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài thương mại trong hợp đồng hoặc thỏa thuận mẫu về áp dụng phương pháp hòa giải hoặc trọng tài thương mại.

Thứ tư, xây dựng quan điểm thống nhất về việc cần thiết sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại trong hệ thống tổ chức tư vấn pháp lý nội bộ của tổ chức tín dụng. 

Thứ năm, đào tạo cán bộ nhân viên, phổ biến kiến thức về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp bằng hình thức Hòa giải thương mại, Trọng tài thương mại nói riêng; xây dựng hệ thống thư viện pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và giải quyết tranh chấp.

Thứ sáu, lựa chọn các trung tâm hoà giải thương mại chuyên sâu về lĩnh vực tài chính ngân hàng cùng đội ngũ hòa giải viên có trình độ chuyên môn tốt, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra hiệu quả.

Thứ bảy, tư vấn và giải thích cho khách hàng, đối tác thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên cần mềm dẻo thực hiện thương lượng như là một bước đầu tiên nhằm đối thoại để làm rõ các vướng mắc, nguyên nhân và nhất trí về cách khắc phục.

Lâm Nghi