Nhiều nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

14:52 22/06/2021

Nhiều dự báo mới được công bố gần đây cho thấy triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 vẫn khá tích cực. trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực.

Tại báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Hay Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics cũng đánh giá rất cao về tốc độ hồi phục kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt mức 7,6% và là nền kinh tế có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực.

Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% - 6,3%.  “Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, song khả năng vẫn đạt tăng trưởng từ 6,1-6,3% cho cả năm 2021 khi so sánh với nền thấp của năm ngoái”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2021. “Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm sẽ lạc quan hơn khi cơ hội xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu...”, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may...  Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.

“Tính riêng tháng 5/2021, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD; trong đó nhập siêu từ Trung Quốc 23,2 tỷ USD, tăng 87,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày đã có đơn hàng tới hết quý 3, quý 4 năm nay, nhập khẩu tăng là tất yếu”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Điều đáng nói, dù làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản xuất trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, hiện tăng gần 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

PV