Không có lãnh đạo nào hoàn hảo cả, thậm chí cả những nhà lãnh đạo nổi tiếng và xuất sắc nhất trên thế giới đôi khi cũng nhận thấy phong cách làm việc của mình có điểm chưa thích hợp. Điều quan trọng là họ nhận biết được khuyết điểm của mình và tìm cách khắc phục.
Dưới đây là những dấu hiệu thường gặp của người có khả lãnh đạo yếu kém:
1. Lười thay đổi
Thay đổi khiến tất cả mọi người sợ hãi, đặc biệt là khi thay đổi đó liên quan đến tài chính, công việc. Nhưng những nhà lãnh đạo không thể dang tay đón nhận những thay đổi tất yếu sẽ bị tụt hậu và bỏ lại đằng sau
Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống, đây là "câu thần chú" mạnh mẽ mà hầu hết các nhà lãnh đạo thành công đều áp dụng. Các nhà lãnh đạo vĩ đại hiểu rằng, thay đổi là một phần tất yếu của sự phát triển. Một doanh nghiệp đôi khi cần thay đổi cách vận hành để phù hợp với xu thế nhằm đạt được những thành quả mới.
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo yếu kém không bao giờ muốn thay đổi, họ không muốn và không dám rời khỏi vùng an toàn của mình. Họ tin rằng nếu một thứ gì đó không bị hỏng thì thực sự không cần phải sửa, nhưng thật đáng tiếc nếu thứ họ tin vào không phát huy hết tiềm năng của nó. Dẫu biết thay đổi đi kèm với một mức độ rủi ro nhất định, nhưng điều đó có khi mang lại cơ hội lớn hơn.
Nếu người đứng đầu sẵn sàng nhìn nhận và vượt ra khỏi phạm vi giới hạn mà họ đã xây dựng xung quanh, họ mới thể hiện được khả năng lãnh đạo.
2. Thiếu tầm nhìn
Hầu hết chúng ta đều muốn làm việc trong một công ty có định hướng rõ ràng. Làm những việc quan trọng, có ý nghĩa và những công việc giúp hứng thú, say mê. Các nhà lãnh đạo và nhà quản lý thành công nhất đều là những người có tầm nhìn rõ ràng và say mê hứng thú về một công việc, dự án nào đó có ý nghĩa của công ty. Họ biết nơi họ đang đi và họ truyền cảm hứng cho cả nhóm đi cùng họ trong một hành trình dài để tạo nên sự khác biệt và thành công cho cả nhóm.
Khi cả nhà quản lý và lãnh đạo đều thiếu tầm nhìn, thiếu say mê trong công việc thì công ty đó chỉ giống như một cỗ máy, trở thành những công việc buồn tẻ, thụ động.
3.Giao tiếp kém
Nếu một người lãnh đạo không thể truyền đạt sứ mệnh của anh ấy/cô ấy cho cấp dưới của mình, khả năng đạt được mục tiêu đó rất ích. Chẳng hạn, Ron Johnson đã trở thành CEO của J.C Penney vào tháng 11 – 2011. Sau đó, ông bị chính công ty sa thải chỉ trong chưa đầy 2 năm. Johnson trước đây đã từng thành công với cương vị Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng hàng hóa tại Target và Phó Chủ tịch cấp cao về hoạt động bán lẻ tại Apple. Tuy nhiên với công ty mới, ông không còn duy trì được phong độ như trước.
Thất bại của Johnson tại J.C có thể đến từ khả năng giao tiếp kém. Bởi vì ông ấy không thể giải thích chính xác sứ mệnh của ông là gì và nó đã được lên kế hoạch để hiện thực hóa như thế nào? Vì không thể truyền đạt các chiến lược đổi mới đến nhân viên, nên các nhân viên cũng thất bại khi truyền đạt kế hoạch đến với khách hàng.
Vì vậy, nỗ lực đổi thương hiệu của Ron Johnson cuối cùng đã khiến cho các khách hàng cốt lõi xa lánh. Họ không thể hiểu được tại sao J.C Penny lại thay đổi mọi thứ họ đã từng rất yêu thích về cửa hàng. Các voucher và chương trình khuyến mãi đã sớm quay trở lại, thay thế cho chính sách mới của Johnson. Và không lâu sau đó, công ty cũng thay thế luôn Ron Johnson.
4. Không có những giá trị cốt lõi
Mỗi nhà lãnh đạo vĩ đại đều sống dựa trên tập hợp các giá trị cốt lõi thường được phản ánh trong phong cách lãnh đạo của họ. Những giá trị này xác định cách họ quan hệ với mọi người và cách họ phản ứng với từng tình huống nhất định.
Tuy nhiên, khi một người điều hành thiếu đi những giá trị cốt lõi, họ sẽ dễ bị lay động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Những giá trị cốt lõi định hình hành vi của chúng ta, vậy bạn mong đợi điều gì từ một nhà lãnh đạo không hiểu gì về giá trị cốt lõi của bản thân?
Những người lãnh đạo này sẽ đưa ra các quyết định không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong nhóm mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ công ty hoặc tổ chức nói chung.
5. Ích kỷ
Dễ dàng xác định được những nhà lãnh đạo kém khi họ muốn tất cả thế giới luôn phải xoay quanh họ và những nỗ lực của tập thể đều phải hướng đến thành công của chính họ.
Tệ hơn, những cá nhân này không bao giờ muốn bị coi là yếu kém, vì vậy họ không ngại đổ lỗi cho đồng đội về những sai lầm của mình. Những người lãnh đạo này cũng có thể đưa ra quyết định mà không cần sự biểu quyết của tập thể, nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ, họ sẵn sàng quy hết trách nhiệm cho người khác.
Đặc điểm ở kiểu người này này là nỗi ám ảnh về việc luôn luôn đúng. Với phong cách lãnh đạo trên, một môi trường làm việc độc hại là điều khó tránh khỏi.
6. Do dự và thiếu quyết đoán
Các nhà quản lý kém cỏi thường có xu hướng do dự, phân vân khi đứng trước một quyết định nào đó. Và một số khác thất bại khi đưa ra những quyết định chậm trễ, sau khi mọi thứ đã xảy ra rồi. Nhà lãnh đạo tài năng sẽ giữ cho mình một khối óc mở, luôn xem xét tất cả các khía cạnh khác nhau của sự việc và đưa ra quyết định một cách tự tin.
T.H