Các nhà sản xuất và kinh doanh được cảnh báo rằng, cần phải nghiên cứu và thích nghi với sự thay đổi trong cơ cấu hộ gia đình khi châu Á tiến tới “xã hội siêu độc thân”. Xu hướng gia tăng số hộ gia đình một người hoặc hộ độc thân đang tạo ra những tác động kinh tế và xã hội đáng kể.
Tỷ lệ hộ gia đình một người đang gia tăng mạnh ở Đông Bắc Á, với tỷ lệ vượt quá 35% ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tại Việt Nam, tỷ lệ này hiện chỉ khoảng 11-12%, cao hơn so với Indonesia nhưng thấp hơn so với Thái Lan và Philippines.
Paul Chang, Phó Giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, giải thích rằng, xã hội châu Á đang dần từ bỏ lối sống với đại gia đình đông đúc để hướng tới cuộc sống tự do của cá nhân. Điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. “Tỷ lệ hộ gia đình một người đã trở thành một phần quan trọng của thị trường”, ông Chang cho biết.
Tại Indonesia, một quốc gia đông dân với khoảng 280 triệu người, số hộ độc thân khá thấp, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo Statista, tỷ lệ chủ hộ chưa lập gia đình ở Indonesia vào cuối năm 2023 là 3,98% đối với nam và 1,33% đối với nữ. Tuy nhiên, tình trạng độc thân đang gây áp lực lớn lên người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 30-39.
Trái ngược với Indonesia, Philippines, quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với hơn 115 triệu người, đang chứng kiến sự gia tăng số lượng người sống độc thân. Tiến sĩ Sidney Christopher Bata từ Đại học Ateneo de Manila cho biết, số hộ gia đình độc thân ở Philippines hiện chiếm một nửa khu vực và đang tăng trưởng ở mức 2,4% mỗi năm. Phụ nữ độc thân đông hơn nam giới, và số liệu mới nhất cho thấy cứ 10 người Philippines thì có 4 người độc thân. Do không có luật ly hôn, 15% người Philippines sống chung mà không có chứng nhận hôn nhân hợp pháp.
Theo một khảo sát của Bain & Co, Meta và DSG Consumer Partners, số lượng hộ gia đình độc thân ở Philippines dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, đạt khoảng 20% vào năm 2030. Sự gia tăng này được dự đoán sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Báo cáo của Bain & Co năm 2023 khuyến cáo các doanh nghiệp ASEAN nên tập trung vào thế hệ Gen Z và các hộ gia đình độc thân, vì đây là nhóm người tiêu dùng quan trọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng. Báo cáo chung giữa Meta Platforms, Bain & Co và DSG Consumer Partners cũng chỉ ra rằng khi các thị trường tiêu dùng đạt đến điểm bão hòa, phân khúc hộ gia đình độc thân sẽ nổi lên như động lực tiêu dùng chính. Trong khi các hộ gia đình độc thân chỉ chiếm 12% tổng số hộ gia đình ở Đông Nam Á, phân khúc này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,4% mỗi năm từ 2023 đến 2030.
Báo cáo cũng chỉ ra xu hướng gia tăng số lượng thú cưng, sự gia tăng các sản phẩm và suất ăn chế biến sẵn cho một người, cũng như sự gia tăng các hoạt động giải trí như karaoke dành cho một người.
Việt Nam dự kiến sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2036, theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA). Quốc gia này đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển với thu nhập cao vào năm 2045. Hiện tại, Việt Nam có tổng thu nhập quốc gia (GNI) tính theo đầu người là 4.180 đô la, thuộc nhóm các nước có thu nhập quốc gia trung bình ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm trong suốt 10 năm tới để quy mô GDP hay GNI tăng gấp đôi.
P.V (t/h)