"Cơn sốt" mua sắm trong ngày 11/11 dần hạ nhiệt (Ảnh: Reuters). |
Lễ hội mua sắm Ngày độc thân (Singles' Day), diễn ra vào ngày 11/11 hàng năm, vốn là một trong những sự kiện thương mại điện tử sôi động nhất ở Trung Quốc, nhưng năm nay lại thiếu đi sự náo nhiệt quen thuộc.
Mọi năm, Ngày độc thân chỉ kéo dài một ngày. Nhưng năm nay, các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc như Alibaba, JD.com và Pinduoduo đã mở rộng sự kiện này thành chiến dịch khuyến mãi kéo dài nhiều tuần liền để kích thích nhu cầu.
Tuy nhiên, áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản và giảm phát đã khiến tâm lý tiêu dùng trở nên dè dặt hơn. Nhiều người tiêu dùng chỉ tập trung vào nhu cầu thiết yếu và giảm mua sắm các sản phẩm giá trị cao.
Cô Wang Haihua, chủ một phòng tập gym tại Bắc Kinh, cho biết: "Tôi chỉ chi vài trăm nhân dân tệ cho nhu yếu phẩm hàng ngày. Giá cả không hẳn rẻ hơn, và những chiêu trò khuyến mãi khiến người mua không còn tin tưởng".
Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá thường xuyên của các nền tảng thương mại điện tử, kéo dài cả tháng, đã khiến ngày độc thân mất đi sự hấp dẫn. Theo Shaun Rein, Giám đốc của China Market Research Group: "Với nền kinh tế yếu kém từ tháng 10/2022, hầu hết mọi thứ đều được giảm giá quanh năm, và ngày độc thân không còn mang lại ưu đãi hấp dẫn như trước".
Ngày độc thân không thực sự mang đến mức ưu đãi khác biệt so với các tháng trước đó. |
Một vấn đề khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin là chiến lược tăng giá trước khi giảm giá trong Ngày Độc thân. Anh Zhang Jiewei, chủ tiệm cắt tóc ở thành phố Tây An, từng là người tiêu dùng tích cực trong sự kiện này, nhưng giờ đây cũng tỏ ra nghi ngờ.
Anh chia sẻ: "Tôi đã ngừng mua sắm sau đại dịch vì thu nhập giảm. Giá sản phẩm thường được đẩy lên cao rồi giảm giá, tạo cảm giác đang được ưu đãi, nhưng thực tế không phải vậy".
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Nhưng theo một số chuyên gia, các biện pháp này chưa đủ để tạo đà cho người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay.
Người dân đang cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là với các mặt hàng giá trị cao, Shaun Rein, nhà sáng lập China Market Research Group, nhận định. "Từ tháng 10/2022 đến nay, nền kinh tế yếu khiến hầu như mọi thứ đều giảm giá quanh năm. Do đó, Ngày độc thân không thực sự mang đến mức ưu đãi khác biệt so với các tháng trước đó”, ông kết luận. |
Rein dự đoán rằng, sự kiện năm nay sẽ có mức tăng trưởng thấp do người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu để chuẩn bị cho những khó khăn sắp tới. Trong khi đó, các mặt hàng như trang phục thể thao và thiết bị thể dục vẫn có sức mua nhất định.
Theo Jacob Cooke, đồng sáng lập và CEO của WPIC Marketing + Technologies, công ty chuyên hỗ trợ các thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc, tổng giá trị giao dịch có thể tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc không còn bị cuốn vào “cơn sốt mua sắm điên cuồng”.
Chia sẻ với CNBC, Cooke cho biết, người tiêu dùng hiện nay tìm mua những sản phẩm đắt tiền mà họ thực sự cần, thay vì chỉ tìm hàng giảm giá. Chuyên gia nhận xét: “Các sản phẩm mang tính trải nghiệm đang bán rất chạy, không còn là hàng hiệu xa xỉ như Louis Vuitton mà là các sản phẩm thể thao như của Lululemon. Hành vi tiêu dùng của người dân đã thực sự thay đổi”.
Không chỉ người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí quảng cáo cao và quy định khắt khe từ các nền tảng thương mại điện tử khiến họ gặp khó khăn trong việc tham gia sự kiện này.
Ông Zhao Gao, chủ một xưởng may tại tỉnh Chiết Giang, cho biết: "Sau khi trừ chi phí quảng cáo, chúng tôi chỉ hòa vốn. Các nền tảng đặt ra quá nhiều quy định và khách hàng đã trở nên nghi ngờ. Với tư cách là người bán, tôi không còn muốn tham gia vào các chương trình khuyến mãi trong ngày độc thân".
11/11 là ngày lễ độc thân xuất phát từ Trung Quốc. |
Một thương nhân khác, Du Baonian, người điều hành một công ty thực phẩm chế biến thịt cừu tại Nội Mông, cho biết, doanh số tổng thể trong năm qua giảm 15% khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiết.
Du cho biết, mặc dù anh vẫn tham gia các chương trình khuyến mãi của Ngày Độc thân, nhưng chi phí cao không thường mang lại lợi nhuận do doanh số bán hàng thấp.
“Chúng tôi đang chứng kiến doanh thu giảm, nhưng quảng cáo trên nền tảng có thể giúp chúng tôi duy trì vị trí dẫn đầu về doanh số”, anh nói, đồng thời cho biết đang cân nhắc quảng cáo trên nhiều nền tảng thương mại điện tử hơn để tiếp cận thêm người tiêu dùng.
Đối mặt với thị trường trong nước đang chậm lại, các nền tảng thương mại điện tử cũng đã chuyển hướng sang thị trường nước ngoài để tìm kiếm sự tăng trưởng mới, đưa ra các chương trình như miễn phí vận chuyển toàn cầu và cho phép người bán dễ dàng kinh doanh toàn cầu.
Alibaba thông báo trên blog Alizila của mình rằng, khoảng 70.000 thương nhân đã chứng kiến doanh số tăng gấp đôi với chương trình miễn phí vận chuyển toàn cầu. Tại các thị trường như Singapore, số lượng khách hàng mới cũng tăng gấp đôi.
JD dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý vào ngày 14/ 11, trong khi Alibaba dự kiến công bố lợi nhuận quý vào ngày 15/11.
Các nền tảng thương mại điện tử cũng đã chuyển hướng sang thị trường nước ngoài để tìm kiếm sự tăng trưởng mới, trong đó có Alibaba. |
Từ lâu, ngày độc thân đã trở thành biểu tượng của sự bùng nổ tiêu dùng tại Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh hiện tại, sức hút của nó đang dần phai nhạt. Những số liệu tăng trưởng thấp cùng với lòng tin tiêu dùng suy giảm là thách thức lớn cho các nền tảng thương mại điện tử.
Các nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử sẽ cần cân nhắc lại chiến lược của mình để thích ứng với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, trong khi tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng ra các thị trường quốc tế.
Ý tưởng về ngày lễ độc thân 11/11 bắt nguồn từ Đại học Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1993. Vào ngày này, những người độc thân tự thưởng cho mình những món quà và quà tặng, đồng thời tổ chức các buổi họp mặt và tiệc tùng. Ban đầu, ngày lễ độc thân chỉ nhận được sự hưởng ứng của số ít người nhưng sau đó dần dần được lan rộng. Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2009, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã thực hiện một chương trình khuyến mại dành riêng cho người độc thân vào ngày lễ độc thân để họ tự do mua sắm. Với khẩu hiệu ấn tượng: "Cho dù không có người yêu, chí ít chúng ta còn có thể điên cuồng mua sắm", Alibaba đã thành công trong việc kích thích nhu cầu tiêu dùng của hàng triệu người. Kết quả là, doanh thu của Alibaba trong các sự kiện 11/11 liên tục lập kỷ lục mới. Vào ngày 11/11 năm 2018, Alibaba đã khiến những nhà bán lẻ tại Mỹ phải ganh tị khi đạt được doanh số kỷ lục gần gấp đôi doanh thu từ ngày Black Friday và Cyber Monday ở Mỹ trong cùng năm. Sự thành công của Alibaba đã truyền cảm hứng cho các sàn thương mại điện tử trên toàn thế giới. |