Người dùng Hàn Quốc tỏ ra kém "mặn mà" dần với nền tảng Facebook

23:07 09/03/2023

Sự suy giảm này xảy ra khi thế hệ trẻ thích sử dụng các mạng xã hội khác tương thích với nội dung dạng ngắn hơn là các tính năng văn bản truyền thống của Facebook.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu của Mobile Index, số người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook tại Hàn Quốc vào tháng trước kết hợp dữ liệu từ 2 cửa hàng ứng dụng Google Play Store và Apple App Store là 9.795.810 người. Đây là lần đầu tiên số người dùng hàng tháng của Facebook giảm xuống dưới 10 triệu kể từ tháng 5/2020.

Tháng 1 vừa qua, con số này vẫn ở trên mốc 10 triệu với 10.056.845 người, nhưng chỉ trong một tháng đã giảm 260.000 người (2,6%).

Số lượng người dùng trong tháng 2/2023 đã giảm khoảng 16,3% so với mức 11.697.509 người dùng một năm trước (tháng 2/2022) và giảm khoảng 24,1% so với mức 12.909.463 người hai năm trước (tháng 2/2021). Đây cũng là tháng thứ 18 liên tiếp số người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook tại Hàn Quốc sụt giảm, sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2021 với 13.417.369 người.

Những người trong cuộc cho biết, sự suy giảm này xảy ra khi thế hệ trẻ thích sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội khác tương thích với nội dung dạng ngắn như Instagram hơn là các tính năng văn bản truyền thống của Facebook.

Mobile Index cho hay, số lượng số người dùng hoạt động hàng tháng của Instagram đạt 18,52 triệu vào tháng trước tại Hàn Quốc, tăng 7% so với một năm trước đó.

Theo khảo sát của Korea Press Foundation, 80,3% học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Hàn Quốc đã từng sử dụng Facebook vào năm 2019, nhưng con số này đã giảm xuống còn 46,1% vào năm ngoái. Ngược lại, tỷ lệ người sử dụng Instagram đạt 81,6%, tăng 20,6 điểm phần trăm so với khảo sát năm 2019.

Đối với ứng dụng nhắn tin, tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS và THPT có kinh nghiệm sử dụng Facebook Messenger đã giảm đáng kể từ 56,1% năm 2019 xuống còn 30% vào năm ngoái. Trong cùng thời gian, tỷ lệ sử dụng tin nhắn trực tiếp trên Instagram đã tăng hơn gấp đôi từ 20% lên 52,3%.

Một nhà phân tích cho biết: "Trừ khi Facebook thực hiện các biện pháp đặc biệt để kéo người dùng trở lại, nếu không thì sự tình trạng sụt giảm người dùng vẫn có thể sẽ còn tiếp tục".

Mới đây nhất, Meta cho biết, Messenger đang được tích hợp trở lại vào ứng dụng Facebook sau gần 10 năm tách riêng thành một nền tảng nhắn tin hoạt động độc lập.

Lý do Meta đưa Messenger trở lại Facebook là để người dùng nhanh chóng chia sẻ những gì họ khám phá trên nền tảng qua nhắn tin mà không cần chuyển sang ứng dụng khác. TikTok hiện cho phép gửi video qua tính năng nhắn tin trực tiếp được tích hợp sẵn. Do đó, dù Meta đang quay trở lại cách hoạt động cũ, họ vẫn bị chê là bắt chước đối thủ cạnh tranh.

Trước tình hình đi xuống của mạng xã hội lớn nhất thế giới và sự nổi lên của đối thủ TikTok, có ý kiến rằng Facebook đang "chết dần". Đại diện Meta sau đó lên tiếng trấn an rằng, Facebook sẽ không chết, thực tế mạng xã hội đang phát triển mạnh với hai tỷ người dùng hoạt động hàng ngày.

Meta cũng nỗ lực chuyển đổi Facebook từ một ứng dụng giúp người dùng cập nhật thông tin với gia đình và bạn bè sang nền tảng giải trí và khám phá. 

Bên cạnh đó, Facebook nỗ lực tích hợp và tăng cường khả năng liên thông giữa các ứng dụng Messenger, WhatsApp và Instagram. Những người dùng Messenger và Instagram có thể liên lạc với nhau bằng tính năng nhắn tin trực tiếp. Meta còn ghi nhận một số thành công với tính năng chat cộng đồng dành cho Facebook Groups.

Đình Lâm (t/h)