Bài liên quan |
Thái Lan khởi xướng điều tra thép không gỉ cán nguội xuất xứ Việt Nam |
Bộ Công Thương ra kết luận cuối cùng điều tra bán phá giá thép không gỉ cán nguội |
Ngành thép Việt Nam vừa phải đối mặt với một thách thức lớn khi Hàn Quốc chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam. Kết luận cuối cùng vừa được Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) ban hành vào ngày 24/4/2025 cho thấy mức thuế áp dụng đã tăng đáng kể so với kết luận sơ bộ trước đó, làm dấy lên mối lo ngại về sự suy giảm lợi thế cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường vốn là một trong những điểm đến xuất khẩu lớn của ngành thép.
Quyết định này được đưa ra sau gần một năm kể từ khi Hàn Quốc khởi xướng điều tra vào ngày 30/5/2024, theo đơn khiếu nại của Tập đoàn POSCO – nhà sản xuất thép lớn nhất xứ kim chi. Phía nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng trưởng đột biến, làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất nội địa. Phạm vi điều tra hành vi bán phá giá kéo dài trong suốt năm 2023, còn việc đánh giá thiệt hại được thực hiện trên dữ liệu từ năm 2021 đến 2023.
![]() |
Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá lên thép không gỉ cán nguội Việt Nam |
Những lo ngại của POSCO không phải là không có cơ sở khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong ba năm gần đây đã ghi nhận mức tăng trưởng bùng nổ. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2,1 triệu USD. Sang năm 2021, con số này tăng lên 5,5 triệu USD (tăng 161%) và đặc biệt năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng đột phá lên tới hơn 194 triệu USD – tương đương mức tăng gần 3.000%. Đà tăng tiếp tục được duy trì trong năm 2023, khi xuất khẩu đạt 227,8 triệu USD, tăng thêm 14%.
Theo kết luận cuối cùng của KTC, một trong hai doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra bắt buộc sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 18,81% – cao hơn 15,15 điểm phần trăm so với mức áp sơ bộ. Doanh nghiệp còn lại giữ nguyên mức thuế 11,37%. Đáng chú ý, các doanh nghiệp khác ngoài nhóm bị đơn bắt buộc cũng bị áp thuế chung 11,37%, tức tăng thêm 6,58 điểm phần trăm so với ban đầu. Theo lý giải từ Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam, sự gia tăng này chủ yếu bắt nguồn từ việc Hàn Quốc thay đổi phương pháp tính toán biên độ phá giá đối với một trong hai bị đơn chính.
Với mức thuế mới, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc. Áp lực gia tăng chi phí, khả năng bị thu hẹp thị phần và nguy cơ chuyển đơn hàng sang các thị trường khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành thép Việt Nam đang tìm cách mở rộng xuất khẩu và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì đây là cú hãm phanh đầy thách thức.
Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và nắm bắt cơ chế rà soát định kỳ hoặc rà soát giữa kỳ để đề xuất KTC điều chỉnh mức thuế theo hướng có lợi hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc tham gia các thủ tục rà soát dành cho nhà xuất khẩu mới – một kênh khả thi để tìm kiếm lại lợi thế về thuế suất trong tương lai.
Song song đó, việc nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin, chuẩn hóa hệ thống dữ liệu kế toán và củng cố năng lực nội tại là những yếu tố then chốt để ngành thép Việt Nam không chỉ vượt qua rào cản thương mại này, mà còn củng cố vị thế bền vững hơn trên thị trường quốc tế.